2 ổ dịch sốt xuất huyết tại thị xã Nghi Sơn ghi nhận hơn 100 bệnh nhân
2 ổ dịch sốt xuất huyết tại thị xã Nghi Sơn ghi nhận hơn 100 bệnh nhân
Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa ghi nhận 151 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Riêng 2 địa phương có số ca mắc cao là phường Hải Thanh 93 ca, xã Nghi Sơn 25 ca.
Ghi nhận tại phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, trong vòng 2 tháng qua, ổ dịch SXH tại đây ghi nhận 93 ca mắc, 5/7 khu phố có người mắc SXH, trong đó có 8 bệnh nhân phải chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá. Đây là ổ dịch SXH lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm 2022.
Tại xã Nghi Sơn, dịch SXH cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Tính từ ngày 6/9 đến nay, ổ dịch này ghi nhận 25 ca. Ngành Y tế thị xã Nghi Sơn đã triển khai các hoạt động giám sát phát hiện sớm các ca bệnh, giám sát véc tơ truyền bệnh, xử lý môi trường, phun hóa chất diệt muỗi; tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch.
Thông tin từ UBND phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, cho biết, những ngày gần đây số ca mắc SXH trên địa bàn phường tăng nhanh. Nhằm khống chế ổ dịch, địa phương đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng với Nhân dân ra quân đồng loạt làm vệ sinh môi trường. Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn phối hợp với Trạm Y tế phường Hải Thanh tiến hành giám sát véc tơ truyền bệnh; phun hóa chất xung quanh gia đình bệnh nhân mắc mới trong vòng bán kính 200m, dự kiến đến ngày 24/9 sẽ triển khai phun hóa chất diệt muỗi toàn bộ 7 tổ dân phố.
Hiện nhiều địa phương khác trên địa bàn Thị xã Nghi Sơn cũng đã ghi nhận rải rác các ca mắc SXH. Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn đã phân công cán bộ và chỉ đạo các trạm y tế liên tục giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, giám sát véc tơ truyền bệnh để thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, nhanh chóng khống chế dịch bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, tính đến thời điểm này các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh đều được khoanh vùng, giám sát dịch tễ, điều trị bệnh kịp thời, khống chế không để bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.
Trong công tác phòng, chống SXH, các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đợt I-2022 (100% các xã có nguy cơ đã tổ chức định kỳ các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống SXH ở quy mô thôn, xóm với sự tham gia của y tế, chính quyền địa phương); tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động phòng, chống dịch SXH theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo và phối hợp với bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố giám sát, xử lý ổ dịch SXH tại cộng đồng. Giám sát ca bệnh, điều tra dịch tễ, véc-tơ truyền bệnh./.
Bảo My (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị