2 bị cáo được giảm án trong vụ gây thất thoát 3,8 triệu USD xảy ra tại Công ty Dược Cửu Long
Ngày 27/3, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của các bị cáo và bị đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan, trong vụ thất thoát 3,8 triệu USD xảy ra tại Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (Công ty Dược Cửu Long).
Các bị cao tại phiên tòa sơ thẩm. |
Trong vụ án này, ba bị cáo kháng cáo gồm: Lương Văn Hóa (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, cựu Tổng Giám đốc Công ty Dược Cửu Long), Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng Công ty Dược Cửu Long) và Nguyễn Nam Liên (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A H5N1). Các bị cáo làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.
Tuy nhiên, trước khi đưa ra xét xử phúc thẩm, bị cáo Lương Văn Hóa đã tử vong do bệnh. Cụ thể, ngày 7/3/2023, Trại tạm giam T16 Bộ Công an có Báo cáo số 158/T16-HS, thông báo về việc người bị tạm giam Lương Văn Hóa đã tử vong ngày 6/3/2023 tại Bệnh viện Bạch Mai do viêm phổi sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, K biểu mô di căn hạch theo dõi nguồn gốc từ phổi.
Vì vậy, chỉ có hai bị cáo là Nguyễn Văn Thanh Hải và Nguyễn Nam Liên tiếp tục tham gia phiên xét xử phúc thẩm.
Ngoài các bị cáo, bị đơn dân sự trong vụ án là Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long cũng kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự. Công ty này đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên buộc các bị cáo và người liên quan (các thành viên Hội đồng quản trị cùng các cổ đông đã hưởng thù lao, cổ tức từ nguồn tiền hạch toán giảm giá vốn trong thời gian từ năm 2006 – 2008) liên đới bồi thường, hoàn trả toàn bộ số tiền hơn 3,8 triệu USD cho Bộ Y tế.
Người thân của bị cáo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (cựu Giám đốc chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất nhập khẩu thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long) cũng kháng cáo đề nghị giải tỏa, chấm dứt các biện pháp ngăn chặn, tạm ngừng giao dịch áp dụng đối với bất động sản, tài sản liên quan.
Tại phiên tòa ngày 27/3, Hội đồng xét xử phúc thẩm ghi nhận: Hai bị cáo Hải và Liên đã thành khẩn thừa nhận sai phạm. Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải được ghi nhận đã khắc phục xong hậu quả với số tiền hơn 168 triệu đồng. Bị cáo Nguyễn Nam Liên nộp thêm 200 triệu đồng (sơ thẩm đã nộp 200 triệu đồng) và không có tình tiết tăng nặng.
Do đó, Tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của hai bị cáo. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng Công ty Dược Cửu Long) được giảm từ 6 năm tù còn 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Nguyễn Nam Liên (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế) được giảm từ 24 tháng tù còn 15 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về kháng cáo của Công ty Dược Cửu Long, Hội đồng xét xử xét thấy đề nghị này không có căn cứ để chấp nhận nên bác kháng cáo.
Hội đồng xét xử nêu rõ, ông Lương Văn Hóa với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Dược Cửu Long ở thời điểm xảy ra vụ án, phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm tại doanh nghiệp này. Ông Hóa biết rõ các quy định của pháp luật, nhưng khi Công ty Dược Cửu Long được giảm giá mua nguyên liệu, ông này đã chỉ đạo giữ lại hơn 3,8 triệu USD để sử dụng mà không báo cáo Bộ Y tế.
Giúp sức cho ông Hóa là thuộc cấp Nguyễn Văn Thanh Hải, Ngô Hữu Hiếu Nghĩa và Nguyễn Thanh Tòng. Lợi dụng việc được giảm giá mua nguyên liệu thuốc, ông Hóa đã chỉ đạo đồng phạm hợp thức hồ sơ nhằm che giấu khoản tiền 3,8 triệu USD mà không báo cáo Bộ Y tế. Sau đó, nhóm này đã sử dụng trái mục đích số tiền được giảm giá, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Đối với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và những bị cáo thuộc Bộ Y tế, họ đã thiếu kiểm tra, rà soát nên không phát hiện ra Dược Cửu Long dùng thủ đoạn gian dối để giữ lại 3,8 triệu USD. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước hơn 61 tỷ đồng.
Nguồn: Báo lao động thủ đô