181 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thiếu lương thực nghiêm trọng
181 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thiếu lương thực nghiêm trọng
Ngày 5/6, Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố báo cáo cho biết hơn 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu đang sống trong tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.
Điều này đồng nghĩa với việc hơn 180 triệu trẻ nhỏ có nguy cơ gặp phải những tác động bất lợi đối với sự tăng trưởng và phát triển thể chất.
Báo cáo nêu rõ tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng ở trẻ em tập trung tại khoảng 20 quốc gia, đặc biệt nghiêm trọng ở Somalia, nơi 63% trẻ nhỏ bị ảnh hưởng; Guinea (54%); Guinea-Bissau (53%) và Afghanistan (49%). Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn tại Palestine, nơi 90% trẻ nhỏ đang sống trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do hệ thống lương thực và y tế đã bị sụp đổ kể từ khi xảy ra xung đột tại Dải Gaza. Bên cạnh đó, dù không có dữ liệu cụ thể tại các quốc gia phát triển, nhưng trẻ em trong các hộ gia đình có thu nhập thấp cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.
Theo UNICEF, trẻ nhỏ nên ăn các loại thực phẩm hằng ngày từ 5 – 8 nhóm chính, gồm sữa mẹ; ngũ cốc, các loại củ và chuối; đậu, quả hạch và hạt; sản phẩm bơ sữa; thịt, gia cầm và cá; trứng; trái cây và rau quả giàu vitamin A; và các loại trái cây và rau quả khác. Nhưng khoảng 181 triệu trẻ nhỏ trên thế giới đang chỉ ăn tối đa hai loại thực phẩm, tức là ở trong “tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng”.
UNICEF cảnh báo những đứa trẻ chỉ ăn hai nhóm thực phẩm mỗi ngày có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng cao hơn 50%. Tình trạng suy dinh dưỡng đó có thể dẫn tới thể tạng gầy gò bất thường và có thể gây tử vong. Thậm chí, khi những đứa trẻ này sống sót và lớn lên, chúng chắc chắn không thể phát triển mạnh và sẽ học kém hơn. UNICEF nhấn mạnh “tiến bộ chậm chạp trong thập kỷ qua” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, đồng thời kêu gọi cung cấp các dịch vụ xã hội tốt hơn, cũng như tăng cường viện trợ nhân đạo cho những trẻ em dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh đó, UNICEF cũng cảnh báo về các loại đồ uống và thực phẩm chế biến sẵn có chứa quá nhiều chất béo và đường, sẽ không cung cấp đủ vitamin và khoáng chất mà trẻ cần, mà chỉ góp phần vào sự phát triển của bệnh béo phì.
Trên toàn thế giới, UNICEF ghi nhận “tiến bộ chậm chạp ở thập kỷ qua” trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực. Tổ chức này kêu gọi cung cấp các dịch vụ xã hội tốt hơn và tăng cường viện trợ nhân đạo cho những trẻ em dễ bị tổn thương nhất.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị