18 nhà thiết kế kể câu chuyện nơi mình sinh ra thông qua tà áo dài
“Nơi tôi sinh ra” là chương trình nghệ thuật đặc sắc, giới thiệu vẻ đẹp của tà áo dài làm chủ đạo, có sự đan xen của các tiết mục âm nhạc ca ngợi quê hương, đất nước và các hoạt động khác. 18 nhà thiết kế áo dài trong cả nước sẽ giới thiệu những bộ áo dài độc đáo, mang bản sắc quê hương nơi họ đã sinh ra và lớn lên.
Chương trình kể câu chuyện về nơi mình sinh ra thông qua tà áo dài. |
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đây là chương trình đáng được mong đợi, gợi lại cho mọi người nhiều cảm xúc về nơi mình sinh ra, nhất là khi đang ở trước thềm năm mới. Thông qua các bộ sưu tập áo dài, trong tâm thức mỗi người ùa về những hình ảnh thân thương của quê hương Việt Nam từ Bắc tới Nam. Dù là những hình ảnh rất bình dị nhưng nó chứa đựng hồn cốt của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Những mạch nguồn đó che chở cho dân tộc ta và nuôi dưỡng nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Chương trình cũng là món quà đặc biệt, sự kết nối giữa đương đại với truyền thống, đem đến cho khán giả nguồn năng lượng trước thềm năm mới.
Tại chương trình, nhà thiết kế Thanh Thúy sẽ kể cho khán giả biết về mảnh đất Điện Biên hào hùng, anh dũng, với ký ức của ông ngoại về những chiếc xe tăng và áo trấn thủ ngày xưa và một cảnh sắc yên bình trù phú ngày nay. Đây như lời tri ân và biết ơn của bản thân với mảnh đất nơi mình được sinh ra ở mảnh đất anh hùng, uống nước từ sông Đà và lớn lên nhờ những hạt gạo từ cánh đồng Mường Thanh, sống giữa bản sắc văn hoá của dân tộc Thái đen.
Nhà thiết kế Huệ Thi với bộ sưu tập áo dài độc đáo kể về quê hương xứ Quảng. |
Còn nhà thiết kế Trịnh Bích Thuỷ gây thương nhớ với mùa đông Hà Nội, với chiếc áo chần bông của mẹ mỗi khi trời trở rét. Đó chính là kỉ niệm tuổi thơ của chị, kỉ niệm về chiếc áo bông chần, chiếc áo kết nối giữa các thế hệ, kết nối truyền thống và hiện tại.
Nhà thiết kế Duy Nguyễn lại muốn kể câu chuyện của một đứa trẻ nông thôn, được chìm đắm trong những kỉ niệm hạnh phúc của thời thơ ấu, nơi cánh đồng làng quê, cánh diều tung bay, và những thứ đồ chơi tuổi thơ giản dị. Những con chuồn chuồn tre tự thăng bằng, rực rỡ sắc màu, được làm thủ công là một phần trong tuổi thơ của anh. Dù đã trưởng thành và rời xa quê hương, nhưng hình ảnh sắc màu của những đôi cánh chuồn chuồn luôn khơi gợi cho nhà thiết kế một bức tranh quê hương sống động, trở thành nguồn cảm hứng không ngừng, thúc đẩy tạo ra bộ sưu tập này để ghi lại kí ức mộc mạc và tinh tế của dòng sản phẩm thủ công của quê hương Thạch Xá.
Bên cạnh đó, nhà thiết kế Ngọc Hân với niềm yêu thích những bộ tranh dân gian truyền thống, cùng với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng kể về nét văn hóa đất Kinh kỳ, quê hương của mình. Nhà thiết kế Huệ Thi với bộ sưu tập áo dài độc đáo kể về quê hương xứ Quảng với ký ức tuổi thơ lam lũ, với tô mỳ Quảng, với tình cảm gia đình thiêng liêng.
Đáng chú ý, nhà thiết kế Minh Hạnh mang đến bộ sưu tập về thành phố mù sương Pleiku, với ký ức đọng lại là những sắc màu thổ cẩm và những đôi mắt sâu thẳm hiền hòa của những người dân tộc… Đặc biệt, tại chương trình còn có sự tham gia của nhà thiết kế LAURA – CHULA thông qua bộ sưu tập mô tả hành trình của Diego và Laura từ hai ngôi nhà thân yêu của họ là Tây Ban Nha và Việt Nam.
Nhà thiết kế áo dài Minh Hạnh chia sẻ, với mỗi người dù sinh ra nơi đâu cũng để lại dấu ấn không thể quên. Khi người ta tìm về tận cùng thâm sâu trong mỗi con người vào những giờ khắc cuối cùng của năm cũ để chuẩn bị đón năm mới thì giá trị đạo học, đạo lý tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám càng tôn lên ý nghĩa của chương trình. Bởi cái đẹp mà không có đạo lý thì không thể bền vững. Với không gian biểu diễn là di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đậm sắc màu văn hóa, chương trình càng được tôn lên vẻ đẹp và giá trị cần biểu đạt.
Nguồn: Báo lao động thủ đô