PGS. TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường), cũng khoảng hơn 20% doanh nghiệp cho biết có thực hiện 5S tại doanh nghiệp, trong khi các công cụ khác như Lean, 6 sigma, hay TQM, TPM thì số doanh nghiệp áp dụng chỉ khoảng từ 1-2%.

Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp càng phải tăng cường áp dụng các giải pháp linh hoạt trong quản lý, điều hành sản xuất, thúc đẩy sáng kiến, đổi mới mô hình kinh doanh để đảm bảo kinh doanh liên tục, nâng cao năng suất lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn hơn nữa.

Các doanh nghiệp tiếp cận với chứng chỉ ISO 9000 như một công cụ đánh giá chuẩn mực trong quản lý và là tấm bằng chứng thực cho năng lực cạnh tranh của mình. Đây là bộ tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng, áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp nhằm đảm bảo khả năng cung cấp sản phẩm đáp ứng yêu cầu khách hàng và luật định một cách ổn định và thường xuyên nâng cao sự thoả mãn của khách hàng.

Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 gồm các tiêu chuẩn cơ bản là: ISO 9000:2005 Hệ thống quản lý chất lượng – Cơ sở và từ vựng; ISO 9001:2008 Hệ thống quản lý chất lượng – Các yêu cầu: ISO 9004:2009 Quản lý tổ chức để thành công bền vững; ISO 19011:2011 Hướng dẫn đánh giá các hệ thống quản lý.

ISO 9001:2008 là tiêu chuẩn quy định các yêu cầu đối với việc xây dựng và chứng nhận một hệ thống quản lý chất lượng tại các doanh nghiệp. Tiêu chuẩn này quy định các nguyên tắc cơ bản để quản lý các hoạt động trong tổ chức, doanh nghiệp về vấn đề chất lượng thông qua 5 yêu cầu sau: Hệ thống quản lý chất lượng; Trách nhiệm của lãnh đạo; Quản lý nguồn lực; Tạo sản phẩm; Đo lường, phân tích và cải tiến.

Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008 sẽ giúp các doanh nghiệp thiết lập được các quy trình chuẩn để kiểm soát các hoạt động đồng thời phân định rõ việc, rõ người trong quản lý, điều hành công việc.

Hệ thống quản lý chất lượng sẽ giúp cán bộ nhân viên thực hiện công việc đúng ngay từ đầu và thường xuyên cải tiến công việc thông qua các hoạt động theo dõi và giám sát. Một hệ thống quản lý chất lượng tốt không những giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự thỏa mãn của khách hàng mà còn giúp đào tạo cho nhân viên mới tiếp cận công việc nhanh chóng hơn. 

Ngày nay nhận thức về khách hàng đã được nâng lên một bước mới, họ trở thành mục tiêu, định hướng của doanh nghiệp. Dĩ nhiên, trên thị trường cạnh tranh tự do, khi mà hàng hoa tràn ngập từ các nguồn gốc, xuất xứ khác nhau, hình thức đa dạng, mức chất lượng và mức giá cả khác nhau, khách hàng ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn, mà doanh nghiệp thì không thể tồn tại được. nếu không có khách hàng của mình.

ISO 9000 là một giải pháp cho các doanh nghiệp trong việc thu hút khách hàng. Một doanh nghiệp có được chứng nhận ISO 9000 sẽ thể hiện có một tiềm năng nhất định về năng lực sản xuất và cung cấp sản phẩm.

Bên cạnh hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000, còn các hệ thống dựa trên tiêu chuẩn khác như: ISO 22000 – Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (áp dụng cho ngành thực phẩm); ISO 14000 – Hệ thống quản lý môi trường; ISO/IEC 27000 – Hệ thống quản lý an toàn thông tin đều là những tiêu chuẩn nền tảng quan trọng trong quản lý.

Doãn Trung

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích