Theo các chuyên gia về năng suất, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cạnh tranh là giành ưu thế nhằm mở rộng thị phần, bán được nhiều hàng hoá, dịch vụ hơn và thu được lợi nhuận nhiều hơn. Ở quy mô quốc gia, khả năng cạnh tranh chủ yếu được tích tụ từ sức cạnh tranh của các doanh nghiệp kết hợp với một số yếu tố khác như chiến lược, chính sách và những vấn đề quản lý vĩ mô. Với các doanh nghiệp, yếu tố cạnh tranh thường liên quan tới cơ sở hạ tầng, công nghệ, lao động, vốn, thị trường, quản lý. Mức độ ưu thế của từng yếu tố và ưu thế tích hợp của các yếu tố ấy là tiềm lực để có thể tạo nên sức cạnh tranh cao hay thấp.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, các chỉ tiêu được quan tâm xem xét khi đánh giá khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp là: Năng suất; Công nghệ; Hiệu quả sản xuất và tiêu thụ hàng hoá dịch vụ; Giá; Hệ thống phân phối; Sự ổn định các nguồn cung ứng đầu vào.
Như vậy, năng suất được coi là một trong những yếu tố quan trọng tác động tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc tạo ra những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao với giá thành rẻ đảm bảo sự tăng trưởng và lợi nhuận. Các tổ chức thành công thường nhìn nhận năng suất là động lực phát triển và cải tiến năng suất là con đường tiến tới tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp.
Nhiều năm nay, năng suất đã được ghi nhận là yếu tố tác động quan trọng tới sự phát triển kinh tế – xã hội. Trong chiến lược phát triển của một quốc gia, năng suất được đặt ở vị trí nền tảng để đạt tới mục tiêu tổng hợp đó là tạo ra của cải vật chất dồi dào với sự hạn chế về nguồn lực, cải thiện mối quan hệ hợp tác giữa người lao động và nhà quản lý, thu hút được sự tham gia của tất cả cán bộ nhân viên trong tổ chức, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và đạt được mục tiêu chiến lược dài hạn của Chính phủ trong việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy quyền con người, dân chủ và bình đẳng.
Thực tế cho thấy tại hầu hết các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp có năng suất ở mức cao đều có chính sách định hướng vào năng suất và liên kết chặt chẽ năng suất với việc thúc đẩy nâng cao chất lượng cuộc sống, các nguyên tắc kinh tế thị trường, sự chủ động và sáng tạo của cá nhân, cũng như các mô hình và phương pháp quản lý hướng vào con người. Vì vậy, năng suất là một công cụ hữu hiệu để đạt được các mục tiêu cân bằng kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường.
Thời gian qua, khoa học công nghệ đã đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội qua một số chỉ tiêu. Đó là chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân; tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII); số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; số lượng bài báo công bố quốc tế của Việt Nam; cơ cấu đầu tư cho khoa học công nghệ từ ngân sách và doanh nghiệp; số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích của người nộp đơn có quốc tịch Việt Nam.
Theo Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt: “Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế”.
Yếu tố khoa học, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong cải tiến năng suất. Đương nhiên, với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu thì khó có thể đạt được năng suất cao. Công nghệ sản xuất ra sản phẩm lỗi thời, có tác động xấu tới môi trường sẽ không được coi là có năng suất.
Bên cạnh khoa học, công nghệ, quản lý các quá trình sản xuất kinh doanh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được năng suất cao. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng: công nghệ tiên tiến có thể đem đến năng suất cao hơn. Nhưng sự kết hợp mang tính tích cực phản ánh tác động của công nghệ tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chính là hiệu quả trong quản lý. Nghiên cứu này cho thấy tác động của công nghệ có liên quan chặt chẽ tới năng lực quản lý và kỹ năng của lực lượng lao động. Nhiều hoạt động trong quá trình sản xuất kinh doanh làm tăng chi phí mà không tăng giá trị. Tất cả các quá trình từ khâu đưa ra ý tưởng đến thiết kế, sản xuất, giao hàng và dịch vụ sau bán hàng phải được đơn giản hóa để loại bớt những hoạt động không tạo ra giá trị.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của khách hàng, tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua không ngừng cải tiến năng suất – chất lượng và hiệu quả quản lý.
Các doanh nghiệp dần dần đã đưa vào áp dụng các chương trình cải tiến năng suất, chất lượng, coi đó là hoạt động không thể thiếu trong doanh nghiệp mình. Các hoạt động quản lý chất lượng, cải tiến chất lượng, tiêu chuẩn hoá và ứng dụng các tiêu chuẩn ngày càng được áp dụng hiệu quả và nhân rộng. Các hệ thống quản lý như ISO 9000, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP đã trở thành các hệ thống quen thuộc với các doanh nghiệp.
Doãn Trung