“12 tỉnh dự án cao tốc Bắc – Nam nằm im vì chưa có dự án đầu tư”

Thu hồi 1.863ha đất rừng, 1.054ha rừng làm cao tốc

Sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 13 để quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp (Ảnh: Gia Hân)

Cụ thể, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chuyển đổi mục đích sử dụng đối với diện tích rừng là 1.054,63ha, bao gồm: 111,84ha rừng phòng hộ, 4,45ha rừng đặc dụng, 802,91ha rừng sản xuất và 135,43ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Diện tích đất lâm nghiệp là 1.863,94ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10ha, đất rừng đặc dụng 4,61ha và đất rừng sản xuất 1.721,23ha. Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là 1.537,23ha.

Diện tích nói trên, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đã tăng so với diện tích đất rừng và đất lúa đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 44 về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, diện tích đất lâm nghiệp tăng so với diện tích đất rừng tại Nghị quyết 44 là 317,94ha (gồm đất rừng phòng hộ tăng là 28,10ha, đất rừng sản xuất là 285,23ha và đất rừng đặc dụng tăng là 4,61ha).

Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tăng so với diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tại Nghị quyết 44 là 5,23ha.

Ông Hà giải thích nguyên nhân thay đổi diện tích đất lâm nghiệp, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là do trong bước nghiên cứu tiền khả thi dự án được tính toán trên cơ sở hướng tuyến bước nghiên cứu tiền khả thi.

Hiện nay, số liệu đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất đã được các tỉnh đo đạc, thống kê, tổng hợp trên cơ sở hướng tuyến nên độ chính xác cao hơn.

“Tất cả đang trông chờ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Nghị quyết 44 chỉ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất lúa nước hai vụ chứ không giao quyết việc chuyển đổi rừng. Theo ông Tùng, đây là thẩm quyền của Quốc hội và thực hiện theo pháp luật về lâm nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến tại phiên họp (Ảnh: Gia Hân)

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội đã đồng ý chủ trương xây dựng đường cao tốc với diện tích đất rừng xác định. Diện tích đất rừng này bao gồm cả diện tích rừng trên đất rừng. Do vậy, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc chuyển đổi mục đích rừng là phù hợp.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đây là dự án đường bộ cao tốc nên việc lấy đất và rừng chỉ có một mục đích là làm đường. Ông Cường đề nghị không dùng từ “chuyển đổi mục đích rừng” vì rừng ở đây được thu hồi để lấy đất làm dự án chứ không phải là chuyển đổi mục đích.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thông qua nghị quyết về vấn đề này để dự án cao tốc Bắc – Nam có thể triển khai các công việc tiếp theo. “Chúng ta không còn thời gian để cuối năm báo cáo Quốc hội cái này”, ông Thể nói.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đề nghị đây là dự án trọng điểm quốc gia nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm phê duyệt chủ trương thu hồi đất rừng để triển khai dự án.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Gia Hân)

“Trên cơ sở nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải mới phê duyệt dự án đầu tư, hiện nay 12 tỉnh có dự án đang nằm im hết vì chưa có dự án đầu tư. Tất cả đang trông chờ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi có nghị quyết, chỉ 1 ngày là Bộ Giao thông Vận tải có thể phê duyệt dự án đầu tư và triển khai các công việc tiếp theo”, ông Thành nói và đề nghị với những thay đổi nhỏ về diện tích đất rừng, đất lúa thì giao cho Chính phủ quyết định và báo cáo Thường vụ Quốc hội để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tại phiên họp, 100% ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý thông qua Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025./.

Tại Nghị quyết 44 ngày 11/1/2022, Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư khoảng 729km dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Dự kiến dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích