100 năm hình thành và phát triển đô thị trung tâm Hà Tĩnh
(Xây dựng) – Trải qua bao thăng trầm lịch sử của một đô thị tròn 100 tuổi, thành phố Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển với quy mô phù hợp, kết cầu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Xây dựng thành phố Hà Tĩnh xứng tầm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Hà Tĩnh và là một trong những đô thị trung tâm của Bắc miền Trung. |
Nghị quyết số 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010-2015 ban hành đã tạo đòn bẩy để thành phố Hà Tĩnh có bước chuyển mạnh mẽ. Sau khi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.
Với sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của người dân trong việc nâng cao chất lượng đô thị, thành phố Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn đô thị loại II vào tháng 2/2019. Đến nay, thành phố Hà Tĩnh là trung tâm chính trị, kinh tế – văn hóa của tỉnh có diện tích tự nhiên 56,55km2, gồm 15 đơn vị hành chính (10 phường, 05 xã), dân số gần 110.000 người.
Trong những năm vừa qua thành phố đã và đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II, đồng thời nâng cao đời sống của người dân. Tốc độ tăng trưởng bình quân những năm gần đây luôn đạt ở mức cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; so với đầu nhiệm kỳ, tỷ trọng thương mại-dịch vụ tăng từ 61,75% lên 63,5%, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng giảm từ 36,46% xuống còn 35,1%, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 1,88% xuống 1,4%.
Sự phát triển đô thị đã mang lại cho người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống tốt hơn; đời sống văn hoá tinh thần của cư dân đô thị ngày càng được nâng cao. Sau quá trình xây dựng, phục dựng các công trình, các không gian văn hóa công cộng gắn với phát triển hạ tầng đô thị. Nhiều không gian công cộng được đầu tư nâng tầm như: Quảng trường Thành Sen, Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, Vườn hoa Lý Tự Trọng, Văn Miếu Hà Tĩnh, Quy hoạch không gian văn hóa Kiều, Nguyễn Du gắn với công viên trung tâm của thành phố và nhiều công trình công cộng, các thiết chế văn hóa khác.
Cùng với việc xây dựng, phát triển hạ tầng và các thiết chế đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, thành phố đã phát động phong trào phục dựng các lễ hội truyền thống, tổ chức các hoạt động lễ hội ngày càng lớn, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài địa bàn đến tham dự. Các lễ hội lớn như: Lễ hội Văn Miếu, lễ hội đua thuyền, lễ hội bắt cá, lễ hội rước đèn, linh vật đêm Trung thu, lễ hội văn hóa các dòng họ, lễ hội các trò chơi dân gian… đã tạo được hiệu ứng lan tỏa lớn, góp phần quảng bá về Thành Sen, thu hút đầu tư, phát triển du lịch dịch vụ.
Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022 đã thể hiện rõ định hướng, mục tiêu của phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phát triển đô thị gắn với phát triển công nghiệp, đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh. Xác định thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân của trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh.
Sức sống mới trên đô thị trẻ thành phố Hà Tĩnh hôm nay. |
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển, thành phố Hà Tĩnh còn những vấn đề tồn tại như: Diện tích tích đô thị hạn chế, không thể phát triển hoàn chỉnh cấu trúc kinh tế đô thị với các chức năng như; tốc độ phát triển hạ tầng kỹ thuật chưa kịp tốc độ phát triển đô thị; thiếu hạ tầng giao thông lớn kết nối với các huyện, với giao thông quốc gia (hiện chỉ có đường 1A); giao thông nội bộ đã xảy ra tình trạng quá tải ở một số tuyến, thiếu hệ thống giao thông tĩnh; chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh và chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung dẫn đến nhiều bất cập về môi trường đô thị. Ngoài ra, một số xã đang phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế – xã hội thành phường đô thị dẫn đến vùng không gian đệm giữa đô thị và nông thôn bị thu hẹp; việc đô thị hóa khu vực các xã thuộc huyện lân cận thành phố chưa được kiểm soát chặt chẽ và hiện đang quản lý không theo chuẩn đô thị; quy mô đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngày càng lớn nhưng vẫn đang sử dụng phương thức quản lý truyền thống, sự tương tác giữa người dân đô thị và chính quyền vẫn còn hạn chế.
Những thách thức và tồn tại hạn chế này có tác động rất lớn đến sự phát triển của thành phố nên cần phải có các giải pháp để giải quyết thời gian tới. Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: Thành phố tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm trên địa bàn như: Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh, dự án đường Vành đai phía Đông, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn kéo dài và phía Đông và đoạn phía Tây thành phố, đường Xuân Diệu, đường Nguyễn Trung Thiên kéo dài và các dự án thoát nước trong khu vực trung tâm thành phố. Tiếp tục khắc phục các hạn chế về hạ tầng trong khu vực hiện hữu đặc biệt là vấn đề thoát nước, và xử lý nước thải đối với toàn thành phố, xử lý các điểm nghẽn về hệ thống giao thông; triển khai hạ ngầm hệ thống đường điện và hệ thống cáp viễn thông nhằm nâng cao bộ cảnh quan đô thị. Xây dựng các phường văn minh đô thị, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao… để xây dựng thành phố xứng tầm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Hà Tĩnh và là một trong những đô thị trung tâm của Bắc miền Trung
Tập trung triển khai lập các Đề án phân loại đô thị thành phố Hà Tĩnh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại II, Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh, Quy hoạch chung đô thị Hà Tĩnh để làm cơ sở thực hiện việc sắp xếp địa giới hành chính gắn với việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh. Từ đó mở rộng không gian đô thị, điều chỉnh cấu trúc không gian đô thị; bổ sung, hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế đô thị gắn với phát triển kinh tế biển tạo đà để phát triển kinh tế – xã hội, định hướng xây dựng thành phố Hà Tĩnh thành đô thị hạt nhân của các hành lang đô thị.
Nguồn: Báo xây dựng