100% di tích quốc gia đặc biệt sẽ được số hóa giai đoạn 2021 – 2030: Thúc đẩy phát triển du lịch bền vững
Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: H.M |
Hôm 2.12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Một trong những mục tiêu cụ thể của chương trình là 100% các di tích quốc gia đặc biệt sẽ được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số.
Giải pháp cách mạng
Việt Nam hiện có trên 40.000 di tích các loại được kiểm kê. UNESCO đã ghi danh 8 di sản Văn hóa và Thiên nhiên, 13 di sản Văn hóa phi vật thể, đó là những tài sản không chỉ của Việt Nam mà còn là của nhân loại. Bên cạnh đó là gần 200 bảo tàng, lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có hơn 200 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, và đặc biệt không thể không kể đến sự đa dạng, phong phú của trên dưới 8.000 lễ hội.
Việc giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa đang là một thách thức, không chỉ riêng với Việt Nam mà đối với tất cả các quốc gia. Chính vì thế, số hóa di sản là một giải pháp cách mạng trong ngành nói chung và di tích, cổ vật nói riêng, thích ứng với xu thế công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Nhân dịp chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11 và hưởng ứng chuỗi hoạt động Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2021, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám vừa cho ra mắt công nghệ 3D Mapping kể chuyện đạo học Việt Nam. Theo đó, công nghệ 3D Mapping gồm những nội dung như: Ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (tương tác QR Code); Hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI; Ứng dụng tham quan ảo 3D Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên Internet; Trải nghiệm Văn Miếu – Quốc Tử Giám bằng công nghệ thực tế ảo VR 360…
Trước đó, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đã đưa vào ứng dụng công nghệ QR Code (mã vạch hai chiều) cho hơn 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích. Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR Code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại những thông tin cơ bản về hiện vật đó.
Cũng áp dụng công nghệ vào hoạt động, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cũng tổ chức triển lãm, trưng bày trực tuyến tại trang web: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn và giới thiệu các tour tham quan ảo 360 độ về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu tại đây và các sự kiện lớn của đất nước.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào Khung kiến trúc chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi. Một mục tiêu cụ thể của chương trình là 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số.
Cùng với đó, 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích; 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.
Để đạt được các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình là hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật. Cụ thể, xây dựng, hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản văn hóa số và ứng dụng công nghệ trong việc số hóa thông tin, chuẩn hóa hệ dữ liệu di sản văn hóa trong kho dữ liệu số quốc gia; kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các lĩnh vực bảo tàng, thư viện; xác lập quyền truy cập, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển du lịch và các nhu cầu khác ở trong nước và quốc tế.
Cụ thể, để xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa, thời gian tới, nhiều nội dung công việc sẽ được triển khai như: Xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ CSDL, trao đổi tài nguyên thông tin di sản văn hóa số trong nước; tăng cường hợp tác trong việc bổ sung, chia sẻ, dùng chung CSDL hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số về di sản văn hóa; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc số hóa các di sản văn hóa; thúc đẩy các dự án số hóa di sản văn hóa trên cơ sở xây dựng mới và tích hợp CSDL số sẵn có theo hướng mở với sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng…
Bên cạnh đó, hình thành và công khai CSDL hệ thống định danh di sản văn hóa Việt Nam trên không gian mạng. Chuyển các dữ liệu về di sản văn hóa sang dạng số, sử dụng các công nghệ nhận dạng, quét 3 chiều cập nhật thường xuyên lên hệ thống kho dữ liệu di sản văn hóa tập trung.
Hoàn thành việc thống kê, số hóa, xây dựng mục lục và xuất bản Tổng danh mục di sản văn hóa Việt Nam công khai trên mạng Internet. Tăng cường dịch vụ tham quan thực tế ảo, đổi mới các chuyên đề trưng bày trải nghiệm theo hướng trực tiếp và trực tuyến, panorama 360 độ.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới chương trình, hình thức và đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo lại; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và người làm công tác di sản văn hóa.
Nguồn: Báo xây dựng