10 tòa nhà xanh nhất ở Mỹ năm 2022
Viện Kiến trúc sư Mỹ đã chọn ra 10 tòa nhà bền vững nhất trong năm dựa trên các tác động đến môi trường và xã hội của những công trình này.
Hàng năm, Viện Kiến trúc sư Mỹ đều chọn ra 10 công trình bền vững nhất trong năm. Yếu tố bền vững được đánh giá dựa trên các vấn đề môi trường như sử dụng nước và năng lượng cũng như các vấn đề xã hội như tác động đến cộng đồng xung quanh và người dân sống trong tòa nhà.
Dưới đây là danh sách 10 tòa nhà xanh nhất ở Mỹ được bình chọn năm nay.
Edwin M. Lee Apartments, San Francisco
Khu phức hợp căn hộ giá rẻ mới ở San Francisco này được thiết kế cho cả những gia đình có thu nhập thấp và những cựu chiến binh. Tòa nhà được thiết kế tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời tại chỗ, có sân vườn yên tĩnh và các tính năng khác giúp cư dân phục hồi sau chấn thương (Ảnh: Imsarch). |
663 South Cooper, Memphis
Tòa nhà được thiết kế cân bằng năng lượng với phát thải CO2 bằng 0 nhờ công nghệ như địa nhiệt. Bên ngoài có một bãi đậu xe rộng rãi đã được tái cấu trúc thành một sân cộng đồng với không gian xanh. (Ảnh: Archimania). |
Khu phức hợp cộng đồng và trường King Open ở Cambridge, Massachusetts
Đây là ngôi trường đầu tiên ở Massachusetts được thiết kế không phát thải khí nhà kính, sử dụng ít hơn 44% năng lượng so với một trường điển hình trong tiểu bang. Các tấm pin mặt trời trên mái nhà và mặt tiền giúp cung cấp năng lượng cho tòa nhà, cùng với các giếng địa nhiệt để sưởi ấm và làm mát. Những ô cửa sổ khổng lồ tràn ngập ánh sáng vào không gian. Tòa nhà cũng được thiết kế để chống chịu thay đổi khí hậu, với tầng một được nâng cao để chống lũ lụt và đóng vai trò như một thư viện máy lạnh mà cộng đồng có thể sử dụng trong những đợt nắng nóng khắc nghiệt. (Ảnh: Cdnassets). |
Trung tâm nghệ thuật Whitcomb thuộc trường Cao đẳng Knox, Galesburg, Illinois
Được xây dựng với kinh phí eo hẹp, trung tâm nghệ thuật này tái sử dụng vật liệu từ các dự án bị phá dỡ trên các phần khác của khuôn viên trường. Mái nhà được thiết kế để chứa các tấm pin mặt trời và dẫn nước mưa vào các khu vườn mưa mà từ đó đưa đến cảnh quan thảo nguyên được phục hồi với môi trường sống cho các loài chim, bướm và động vật hoang dã khác. (Ảnh: AIA). |
Trường trung học Lick-Wilmerding, San Francisco
Trường trung học ở San Francisco này đã được thiết kế với các hệ thống hoàn toàn chạy bằng điện và không gây phát thải C02. Hệ thống cơ khí mới làm sạch ô nhiễm không khí từ xa lộ liền kề và ô nhiễm cháy rừng ngày càng tăng ở California. Bằng cách tái sử dụng 36% cấu trúc tòa nhà hiện có và 65% mặt tiền của tòa nhà, dự án đã giảm hơn 1/3 lượng khí thải. (Ảnh: AIA). |
Bảo tàng trẻ em Louisiana, New Orleans
Nằm trên một đầm lầy trước đây dưới mực nước biển ở New Orleans, tòa nhà được thiết kế lại sau cơn bão Katrina để có thể tồn tại dưới mực nước lũ 4 m mà không gây hại cho cấu trúc. Khi trời mưa, nước chảy vào mương lọc sinh học để lưu trữ vào một bể chứa. Các phần nhô ra của mái và các tấm chắn giúp che mát không gian, do đó hạn chế sử dụng năng lượng. (Ảnh: Waggonner & Ball). |
Trụ sở chính của Meyer Memorial Trust, Portland, Oregon
Tòa nhà được thiết kế với sự cân nhắc kỹ lưỡng sao cho mọi người đều có thể tiếp cận với ánh sáng ban ngày và tầm nhìn bên ngoài. Tòa nhà tiết kiệm năng lượng nhờ các tính năng như cửa sổ có thể mở được và cảm biến tắt đèn nhân tạo khi có đủ ánh sáng ban ngày trong không gian. Khi trời mưa, nước sẽ chảy vào các chậu cây và giếng tại chỗ chứ không phải vào hệ thống kênh mương của thành phố. (Ảnh: JBSA). |
Chi nhánh Roxbury của thư viện công cộng Boston
Roxbury được cải tạo để tận dụng tối đa lượng ánh sáng ban ngày và giúp kết nối với cộng đồng tốt hơn. Tòa nhà nhìn ra khu vực lân cận bên ngoài, đồng thời bảo tồn hầu hết các kiến trúc Brutalist ban đầu. Không gian xanh mới bên ngoài giúp thu giữ nước mưa. Thiết kế cũng bao gồm các tính năng mới để cải thiện sức khỏe cộng đồng, như phòng thí nghiệm dinh dưỡng giúp dạy nấu các món ăn lành mạnh. (Ảnh: Boston). |
Iowa City Public Works, Iowa City, Iowa
Tòa nhà thành phố này được sử dụng một phần để chứa và rửa xe cứu hỏa cũng như đào tạo cho sở cứu hỏa. Nó sử dụng khối lượng nhiệt và vật liệu cách nhiệt để duy trì nhiệt độ trong trường hợp mất điện. Hàng chục giếng trời cung cấp ánh sáng tự nhiên, và các tấm pin mặt trời trên mái cung cấp năng lượng tại chỗ cho tòa nhà. Các khu vực cây xanh bên ngoài cung cấp môi trường sống cho động vật hoang dã. Đặc biệt, các cửa sổ không sử dụng kính trong suốt để bảo vệ các loài chim. (Ảnh: Archdaily). |
Khu phức hợp khoa học và kỹ thuật Đại học Tufts, Medford, Massachusetts
Tòa nhà tiết kiệm năng lượng, sử dụng ít hơn 77% năng lượng so với một phòng thí nghiệm điển hình. Bên ngoài là khu vực cây xanh để giữ nước mưa và thu hút đa dạng sinh học. Bãi đậu xe cho 30 ô tô ban đầu đã được thay thế bằng khu vực để xe dành cho 200 xe đạp. (Ảnh: Tufts University). |
Nguồn: Báo xây dựng