10 năm tới, số khu công nghiệp tại Việt Nam sẽ gấp 1,5 lần hiện nay
ĐẤT KHU CÔNG NGHIỆP CHIA THÀNH 6 VÙNG
Theo dự thảo Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 381 khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi chung là khu công nghiệp) được thành lập với tổng diện tích quy hoạch 114.000ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng 90.800ha, chiếm 2,31% diện tích đất phi nông nghiệp, tăng 18.800ha so với năm 2010.
Đáng chú ý, trên toàn quốc, đất khu công nghiệp được chia thành 6 vùng.
Cụ thể, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã thành lập 30 khu công nghiệp với diện tích 7.000ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 5.200ha, tăng 2.720ha so với năm 2010.
Vùng Đồng bằng sông Hồng đã thành lập 94 khu công nghiệp với diện tích 26.000ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 19.950ha, tăng 4.920ha so với năm 2010. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã thành lập 68 khu công nghiệp với diện tích 22.000ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 17.100ha, tăng 7.240ha so với năm 2010.
Vùng Tây Nguyên đã thành lập 10 khu công nghiệp với diện tích 2.000ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 1.550ha, tăng 290ha so với năm 2010.
Vùng Đông Nam Bộ đã thành lập 119 khu công nghiệp với diện tích 44.000ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 34.240ha, tăng 50ha so với năm 2010.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thành lập 60 khu công nghiệp với diện tích 13.000ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 12.760ha, tăng 3.580ha so với năm 2010.
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 331 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động, chiếm gần 87% số khu đã thành lập.
Tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động khoảng 75%, riêng khu chế xuất Linh Trung III (tỉnh Tây Ninh) và khu chế xuất Linh Trung II, khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM) đều có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, khu chế xuất Tân Thuận có tỷ lệ lấp đầy đạt 81%.
Trong những năm qua, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút được 9.381 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%.
Thu hút được 9.331 dự án đầu tư trong nước (DDI), với tổng vốn đầu tư đạt 2,061 triệu tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 42%.
Tổng doanh thu đạt khoảng 235 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 142 tỷ USD, đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng khoảng 11% so với năm 2018; nộp ngân sách Nhà nước gần 130.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018; tạo việc làm cho gần 3,85 triệu lao động trực tiếp.
VẪN CÒN ĐẤT BỎ HOANG
Việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập. Cụ thể, tỷ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong khu công nghiệp là 4,61 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê. Tỷ lệ này tuy có gia tăng qua các thời kỳ nhưng vẫn tương đối thấp.
Tỷ lệ lấp đầy tại nhiều khu công nghiệp vẫn còn thấp, dẫn đến tình trạng đất đai bị bỏ hoang hoá, lãng phí nguồn tài nguyên.
Ngoài ra, sự phát triển các khu công nghiệp đã hình thành dòng di chuyển lao động khá mạnh từ khu vực nông thôn ra thành thị và từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam (nơi có nhiều khu công nghiệp).
Có đến 70% lao động trong các khu công nghiệp là lao động nhập cư và 60% là lao động nữ làm việc trong các khu công nghiệp. Chính vì vậy nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn và bức xúc.
Tại các khu công nghiệp, mới có khoảng 30% số lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại phải tự thu xếp, thuê trọ rải rác với điều kiện sống tạm bợ, hết sức khó khăn, thiếu những điều kiện sinh hoạt tối thiểu… từ đó đã nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội.
Việc phát triển nhanh các khu công nghiệp trong thời gian qua đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường. Lượng thải và các chất gây ô nhiễm môi trường cũng gia tăng, gây tác hại đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng bền vững của đất nước.
ĐẾN NĂM 2030, VIỆT NAM SẼ CÓ 558 KHU CÔNG NGHIỆP
Trong những năm tới, Việt Nam đặt kế hoạch đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, như: Công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hoá chất, phân bón, vật liệu.
Phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, như: Điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot, ô tô, công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, sản phẩm số, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại các khu kinh tế ven biển, trong đó chú trọng các ngành sản xuất công nghiệp nặng, chế biến sâu, hình thành các chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc…
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD.
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; giải quyết việc làm cho 5 – 6 triệu lao động trực tiếp vào năm 2025 và 7 – 8 triệu lao động vào năm 2030.
Do đó, trong 10 năm tới quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp dự kiến tăng thêm 115.000ha, đạt 205.800ha. Diện tích đất khu công nghiệp tăng lấy từ đất trồng lúa 46.070ha, đất trồng cây hàng năm, lâu năm 64.360ha… với 558 khu công nghiệp, tăng thêm 177 khu công nghiệp so với năm 2020.
Đất khu công nghiệp được quy hoạch đến năm 2030 phân bổ theo các vùng như sau:
– Vùng Trung du và miền núi phía Bắc 15.170ha (58 khu công nghiệp), tăng 9.970ha so với năm 2020.
– Vùng Đồng bằng sông Hồng 52.210ha (142 khu công nghiệp), tăng 32.260ha so với năm 2020.
– Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: 47.930ha (111 khu công nghiệp), tăng 30.830ha so với năm 2020.
– Vùng Tây Nguyên 3.730ha (17 khu công nghiệp), tăng 2.180ha so với năm 2020.
– Vùng Đông Nam Bộ 59.010ha (127 khu công nghiệp), tăng 24.770ha so với năm 2020.
– Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 27.740ha (103 khu công nghiệp), tăng 14.980ha so với năm 2020.
Việc quy hoạch, bố trí diện tích quỹ đất các khu công nghiệp của cả nước như trên là tính tới lâu dài, tránh tốn kém kinh phí trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư.
Sau khi được Quốc hội quyết định, trong quá trình thực hiện Chính phủ sẽ chủ động điều tiết, phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương với các điều kiện và tiêu chí, ưu tiên cho phép các địa phương mở rộng các khu công nghiệp khi đã thực hiện tỷ lệ lấp đầy đạt trên 60%.
Đối với các địa phương đã phát triển khu công nghiệp, việc điều chỉnh, bổ sung thành lập mới, mở rộng các khu công nghiệp chỉ được thực hiện khi tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp hiện có đã được cho thuê ít nhất là 60% và đã xây dựng xong công trình xử lý nước thải tập trung…/.