1.700 xe Mercedes-Benz C200 tại Việt Nam bị triệu hồi, nguyên nhân do đâu?

Cụ thể, một số xe Mercedes-Benz C200 (số loại W205) do Mercedes- Benz Việt Nam sản xuất, lắp rắp trong giai đoạn từ tháng 12/2014 đến tháng 2/2018 cần triệu hồi để kiểm tra và cập nhật phần mềm mới miễn phí cho hộp điều khiển động cơ để khắc phục hiện tượng quá nhiệt ở các đi-ốt trong máy phát điện.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết các đi-ốt của máy phát điện trên xe bị ảnh hưởng có thể bị hỏng do quá nhiệt, sự quá nhiệt có thể do nhiệt sinh ra bên trong các đi-ốt khi dòng điện lớn đi qua cộng với các điều kiện môi trường và vận hành cụ thể không thuận lợi. Trong trường hợp này, có thể xảy ra dòng điện không cho phép từ ắc quy của hệ thống điện chạy qua máy phát điện.

Trong kết nối này, máy phát điện có thể nóng lên đến mức không thể loại trừ hỏa hoạn. Khách hàng có thể nhận biết được vấn đề bằng một thông báo cảnh báo lỗi về bình ắc qui trong cụm đồng hồ đa chức năng.

Triệu hồi hơn 1.700 xe Mercedes-Benz C200 tại Việt Nam để khắc phục đi-ốt của máy phát điện

Mặc dù Mercedes-Benz Việt Nam chưa có ghi nhận sự cố nêu trên nào xảy ra trên các xe, tuy nhiên, vì an toàn của khách hàng, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đã quyết định tiến hành triệu hồi các xe bị ảnh hưởng để cập nhật phần mềm mới cho hộp điều khiển động cơ. Đồng thời tối ưu hóa hoạt động của máy phát điện cho các xe ảnh hưởng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro và đảm an toàn cho khách hàng.

Chương trình triệu hồi sẽ bắt đầu từ ngày 15/10/2021 và dự kiến kết thúc vào ngày 31/12/2025. Thời gian thực hiện khoảng 30 phút cho mỗi xe. Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam và các đại lý được ủy quyền sẽ kiểm tra, khắc phục miễn phí lỗi của những xe bị ảnh hưởng.

Trước đó, Mercedes-Benz đã thực hiện chuỗi triệu hồi với dòng xe mới nhất là GLC-Class liên quan tới lỗi cảm biến va chạm ở cửa trước của xe. Cụ thể, ngày 14/10, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phê duyệt chương trình triệu hồi để kiểm tra, thay mới cảm biến va chạm ở 2 cửa trước cho xe Mercedes-Benz GLC 200 và GLC 300 (model X253) do Mercedes-Benz Việt Nam sản xuất, lắp ráp.

Tổng lượng xe bị ảnh hưởng có 56 chiếc, được sản xuất trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 8/2020, theo chương trình triệu hồi của Mercedes-Benz AG có số hiệu là 9193112.

Theo lý giải Cục Đăng kiểm Việt Nam, chức năng của cảm biến va chạm bên hông xe ở trong 2 cửa trước là ghi nhận mức độ tác động vào bên hông xe khi xe có va chạm và truyền tín hiệu này về hộp điều khiển túi khí (SRS). Khi đó, dựa trên các tín hiệu của các cảm biến va chạm bên hông xe và các cảm biến va chạm ở vị trí khác, hộp điều túi khí sẽ điều khiển kích hoạt các túi khí tương ứng để hạn chế chấn thương cho người sử dụng.

Nguyên nhân là ngàm khóa của đầu nối điện của cảm biến va chạm bên hông trong các cửa trước có thể không tương ứng với thông số kỹ thuật, cụ thể: ngàm khóa đúc ra không đúng tiêu chuẩn kích thước, ngàm bị thấp dẫn đến đầu nối điện của cảm biến va chạm có thể bị lỏng ra theo thời gian sử dụng của xe.

Điều này sẽ dẫn đến việc hệ thống túi khí sẽ được kích hoạt chậm trong trường hợp xảy ra va chạm phía bên hông xe (do không nhận được tín hiệu từ cảm biến va chạm bên hông xe ở cửa trước) và hiệu quả hạn chế chấn thương của hệ thống túi khí sẽ giảm. Trong trường hợp xảy ra va chạm, nguy cơ thương tích cho người ngồi trên xe sẽ tăng cao khi xảy ra va chạm bên hông xe. Khách hàng sẽ nhận được thông báo lỗi này trên đồng hồ đa chức năng.

Bảo An (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích