Quảng Trị: Sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản góp phần triển kinh tế – xã hội, phục vụ giảm nghèo bền vững, qua đó giúp đời sống của người dân miền núi ngày một nâng lên. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Khoa – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị.

a-khoa-1.jpg

Ông Nguyễn Trường Khoa

PV: Xin ông cho biết, tình hình tài nguyên khoáng sản vùng miền núi của tỉnh hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Trường Khoa: Hướng Hóa và Đakrông là hai huyện vùng cao đang có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, góp phần nâng cao đời sống người dân nơi đây. 

Trên cơ sở quy hoạch khoáng sản và pháp luật về khoáng sản, tại huyện Hướng Hóa thì UBND tỉnh đã cấp 1 giấy phép khai thác đá xây dựng tại xã Tân Hợp và 1 giấy phép khai thác quặng sắt tại xã Hướng Sơn. Tại huyện Đakrông có 2 giấy phép khai thác đá xây dựng (1 mỏ tại xã Hướng Hiệp và 1 mỏ tại xã Đakrông); ngoài ra còn có 7 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, địa phương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, kiểm tra, đẩy đuổi hoạt động khoáng sản trái phép, đưa hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp.

Việc cấp phép khai thác quặng sắt, đá, cát, sỏi thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về khoáng sản, các đơn vị đã lập và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường, trong đó có phương án phòng chống sạt lở bờ sông. Qua các đợt kiểm tra, các đơn vị đã chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản.

Để hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1855/QĐ-UBND ngày 06/7/2017 phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Phương án quy định cụ thể trách nhiệm của các ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; việc phối hợp, trao đổi thông tin và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản giữa các lực lượng kiểm tra chuyên ngành…

qtr-1.jpg

Khai thác khoáng sản tại huyền miền núi tỉnh Quảng Trị. Việc sử dụng khoáng sản hợp lý góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân miền núi

PV: Việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đã hỗ trợ đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số ra sao?

Ông Nguyễn Trường Khoa: Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức hoạt động khai thác, chế biến sâu tài nguyên khoáng sản để nâng cao giá trị tài nguyên góp phần phát triển kinh tế – xã hội và vùng miền núi nói riêng, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững.

Việc khai thác khoáng sản ở các huyện miền núi của tỉnh đã đóng góp rất lớn vào việc triển khai các dự án về năng lượng trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2020-2022. Đó là các dự án điện gió, thủy điện, điện mặt trời, góp phần đưa Quảng Trị hướng đến trung tâm năng lượng sạch của miền Trung.

Hoạt động khai thác hợp lý các mỏ đá, cát sỏi ở 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông cũng đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm cho người dân vùng núi, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới như xây mới, tu sửa, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn; cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi; sửa chữa xây mới các công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, các điểm trường để nâng bước học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) đến trường.

Các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản cũng đã góp phần tích cực, chung tay cùng cộng đồng để hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương; tặng quà cho người nghèo, trẻ em vùng DTTS, nạn nhân chất độc màu da cam, ảnh hưởng bởi bão lũ, đặc biệt là đợt thiên tai lịch sử năm 2020, các doanh nghiệp đã hỗ trợ đá, cát sỏi để gia cố, xây dựng lại các tuyến đường, các công trình trọng yếu…

qtri-3.jpg

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị kiểm tra thực địa khảo sát, đánh giá khoáng sản

PV: Thời gian tới, tỉnh có những giải pháp nào để góp phần giúp người dân phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên khoáng sản?

Ông Nguyễn Trường Khoa: Việc sử dụng hợp lý khoáng sản trên địa bàn góp phần rất quan trọng về nhiều mặt, nhất là vấn đề thiếu việc làm, thiếu kế sinh nhai. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục nâng cao chất lượng các hội đồng thẩm định liên quan đến các hoạt động khoáng sản; nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công. Thực hiện quản lý sản lượng khai thác thực tế của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, quản lý chất lượng các loại khoáng sản. Rà soát, đánh giá hiệu quả các giấy phép khai thác đã cấp; các dự án đầu tư chế biến khoáng sản. Phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực và trách nhiệm quản lý chuyên ngành về khoáng sản từ cấp tỉnh đến cấp xã. Thu hút các nhà đầu tư có năng lực để đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản, nhất là chế biến sâu tại tỉnh nhằm gia tăng giá trị khoáng sản, phát huy lợi thế tiềm năng khoáng sản của địa phương.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển khoáng sản để bảo vệ công trình hạ tầng giao thông. Các ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản thuê đất, sử dụng đất đai. Tỉnh cũng yêu cầu chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở các xã cũng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho người dân nhất là đồng bào DTTS hiểu để phối hợp với địa phương trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, không tiếp tay cho các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Tỉnh Quảng Trị có 47 xã, thị trấn miền núi thì có 41 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô tập trung phần lớn ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông

Bạn cũng có thể thích