Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn

42 năm sưu tầm ảnh Bác Hồ
Chúng tôi đến thăm nhà của bà Nguyễn Thị Nguyệt (84 tuổi) trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Khắc Nhu (phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM) vào buổi chiều cuối tháng 8. Vừa bước vào nhà, đối diện với chúng tôi chính là chiếc tủ cổ kính – nơi bà Nguyệt lưu giữ một “kho tàng” tư liệu về cuộc đời của Bác Hồ. Trong đó chứa đựng hơn 3.000 tấm ảnh về Bác, mỗi tấm ảnh đều mang một câu chuyện gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Đó cũng chính là tâm huyết của bà trong suốt 42 năm qua.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Nguyệt tự hào bên album ảnh về Bác Hồ. |
Vừa gặp chúng tôi, bà Nguyệt hớn hở: “Đến xem hình Bác Hồ phải không, ngồi xuống đây tôi kể cho nghe”. Rồi bà Nguyệt vừa lật từng trang album lưu giữ hình ảnh của Bác Hồ, vừa kể: “Năm 1955, Bác đến thăm Đại tá Hồ Thị Bi tại Bệnh viện 303 (nay là Bệnh Hữu nghị Việt-Xô), tôi may mắn nhìn thấy Bác, nhưng chỉ đứng từ xa nhìn thôi chứ không được lại gần. Kể từ lúc đó, tôi thấy kính mến Bác và luôn mong ước được gặp Bác…”.
Bốn năm sau (1959), Bác Hồ về thăm Trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng, khi đó bà Nguyệt là học sinh, hăng hái chạy ra đón Bác tận cổng, say sưa nghe Bác kể chuyện. “Lúc đó tôi nghe thông báo có đoàn cán bộ Trung ương đến thăm trường, nhưng không biết là ai. Vì tôi là đội viên cờ đỏ của trường nên được vinh dự mở cửa cho đoàn vào. Vừa thấy Bác xuống xe, tôi vội chạy ra cổng ôm chầm lấy Bác và được Bác nắm tay dắt vào trong. Bây giờ kể lại, tôi vẫn thấy bồi hồi và nhớ như in khoảnh khắc đó…”, bà Nguyệt xúc động.
Bà Nguyệt cho biết, trong lần đến thăm trường đó, hình ảnh của Bác giản dị, gần gũi, đầy tình yêu thương với học sinh khiến bà xúc động và kính yêu vô bờ. Từ đó, bà Nguyệt có ý định sưu tầm tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng và lời dạy của Bác, làm nền tảng cho sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân sau này.
“Tôi sưu tầm ảnh Bác từ khi tu nghiệp ở Liên Xô (1980), đến khi chuyển vào TP.HCM làm việc, lúc đó tôi làm việc này như một “kỷ niệm” dành cho con cháu. Đến khoảng năm 1990, tôi mới bắt đầu việc sưu tầm một cách có hệ thống và khoa học. Nhưng phải đến khi nghỉ hưu (1996), tôi mới có nhiều thời gian hơn để sưu tập tư liệu về Bác”, bà Nguyệt cho biết.
42 năm qua, để có được những tấm ảnh quý giá về Bác Hồ, bà Nguyệt phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để đi đến các cửa hàng sách trên mọi miền đất nước. Nghe tin ở đâu có tư liệu của Bác “mới lắm, đẹp lắm, hay lắm…”, bà Nguyệt lại dùng số tiền lương hưu ít ỏi của mình để mua về. Những tư liệu, hình ảnh được bà sắp xếp lại, ép nhựa và đóng thành từng tập, với từng chủ đề khác nhau về cuộc đời Bác và cất trong ngăn tủ, nơi mà bà coi là linh hồn của cuộc đời mình.
Bà Nguyệt cho hay, trong nhiều tấm ảnh về Bác Hồ được bà sưu tầm và lưu giữ, có nhiều tấm là của các vị lãnh đạo cấp cao tặng, tấm thì bạn bè gửi từ nước ngoài về, tấm thì được các cựu chiến binh gửi tặng. Thậm chí, lúc sang Pháp thăm con gái, bà cũng dành nhiều thời gian để tìm ảnh Bác Hồ… “Tôi coi những hình ảnh của Bác là tài sản vô giá, đó là tình cảm của một người con miền Nam với Bác và hơn bao giờ hết, đó là sự biết ơn vô cùng của tôi dành cho Bác”, bà Nguyệt xúc động kể.
Kể về lý do tặng đi một phần tâm huyết của mình, bà Nguyệt cho biết: “Tôi không muốn mình sưu tầm hình ảnh, bài viết về Bác rồi cất vào ngăn tủ, việc tôi muốn làm là mang hình ảnh của Bác đến gần hơn với mọi người. Tôi hy vọng mọi người hiểu và làm theo phong cách, đạo đức của Bác bằng chính công việc đời thường của mình”.
Làm theo lời Bác Hồ dạy
Không chỉ sưu tầm ảnh Bác Hồ, trong tư duy và hành động, bà Nguyệt luôn thấm nhuần lời dạy của Bác. Một trong những “lời dạy” mà bà tâm đắc chính là việc rèn luyện thể dục- thể thao để nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần cải thiện giống nòi để bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.
Trong suốt cuộc đời, bà Nguyệt chưa từng bán hay tặng bất kỳ bức ảnh nào trong số hơn 3.000 bức ảnh về Bác Hồ. Chỉ mới đây, bà đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh ở bến Nhà Rồng 6 cuốn album gồm 1.800 tấm ảnh về Bác Hồ và bức thư của Người gửi bộ đội, cán bộ, đồng bào miền Nam ra Bắc tháng 9/1954. Bà còn tặng nhiều sách báo, hình ảnh (bản photo) cho Thư viện phường Cô Giang (quận 1) để giới thiệu rộng rãi với người dân. |
Chính vì thế, năm 1961, bà Nguyệt sang Liên Xô học thể dục thể thao, hệ Sư phạm tại Trường Thể thao trung ương Liên Xô. Thời gian 5 năm, bà đã học hỏi và tiếp thu nhiều kiến thức, kinh nghiệm và nghiên cứu về phương pháp phát triển thể chất của người nước ngoài, từ đó chọn lọc đưa về áp dụng tại Việt Nam.
Sau khi về Việt Nam vào năm 1966, bà Nguyệt vừa làm huấn luyện viên môn bóng chuyền cho hệ văn hóa thể thao ở Từ Sơn (Hà Bắc), vừa nghiên cứu và thực hiện công trình mang tên: “Phương pháp thực nghiệm quy trình giáo dục sức khỏe về tầm vóc con người Việt Nam”. Phương pháp của bà bao gồm nhiều giai đoạn, kéo dài từ lúc trẻ sơ sinh cho đến khi trưởng thành. Trong đó, tập trung vào chế độ dinh dưỡng và phương pháp luyện tập xoa bóp nhằm giúp nâng cao thể chất và trí lực.
“Các con, các cháu của tôi là những người đầu tiên được thực hiện phương pháp này bằng chính bàn tay của tôi. Ban đầu, tôi cũng lo lắng vì sợ làm không đúng, nên tôi rất cẩn thận, bây giờ các cháu đều cao lớn và khỏe mạnh và không đau ốm gì nên tôi rất tự tin vào công trình nghiên cứu của mình. Suốt 56 năm nghiên cứu và thực hiện, tôi tự hào với Bác vì đã làm theo lời Bác, thực hiện thành công công trình này”, bà Nguyệt bồi hồi chia sẻ.
Bà Nguyệt cho biết, vào năm 1999, bà đã đến Bảo tàng Hồ Chí Minh để báo cáo công trình nghiên cứu của mình, vì bà đã làm theo ý nguyện của Bác Hồ về việc phát triển tầm vóc người Việt Nam, như mục tiêu của Sắc lệnh số 14 năm 1946 (Sắc lệnh số 14 về thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên). Trong đó, Sắc lệnh nêu rõ: Nha thể thao Trung ương có nhiệm vụ liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc.
Cầm trên tay những album ảnh và sách về Bác Hồ, bà nói, càng đọc nhiều và tìm hiểu về Bác, tôi thấy lòng càng sáng hơn, tích góp nhiều kiến thức hơn để có thể truyền đạt lại cho thế hệ con cháu. Chúng ta đang sống trong “thời đại Hồ Chí Minh”, tôi mong mỗi người, hãy sống, học tập theo Bác để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc, bạn bè trên thế giới như ý nguyện của Người.
Chia tay bà giữa thành phố mang tên Bác trong tiết trời mùa Thu tháng Tám, lòng trào dâng cảm xúc, trong tôi lại nhớ những câu thơ trong sáng của Tố Hữu “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn/Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”! ./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô