Xử lý nghiêm đường dây làm giả thuốc nuôi trồng thủy sản quy mô lớn

Theo đó, qua công tác nắm tình hình, lúc 8h ngày 28/9, Phòng CSKT Công an tỉnh Sóc Trăng tiến hành kiểm tra xe tải BKS 83C-051.54, do Đỗ Quốc Thành (SN 1987, ngụ TP Sóc Trăng) điều khiển có biểu hiện nghi vấn.

Trên xe, lực lượng là nhiệm vụ phát hiện 3 túi nilon, 2 thùng giấy chứa nhiều sản phẩm là thuốc, thức ăn, sản phẩm xử lý dùng trong nuôi trồng thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng giá trị hàng hóa theo hóa đơn là 35 triệu đồng.

Số thuốc nuôi trồng thủy sản làm giả bị thu hồi 

Nghi vấn là hàng giả nên cơ quan Công an tiến hành tạm giữ các hàng hóa trên. Thành khai nhận chở thuê số hàng hóa trên cho anh ruột là Đỗ Quốc Đạt (SN 1980 cùng ngụ ở phường 8, TP Sóc Trăng).

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng tiến hành khám xét 4 căn nhà tại Phường 8, TP. Sóc Trăng. Tại đây, lực lượng Công an phát hiện và tạm giữ nhiều dụng cụ, phương tiện và nguyên vật liệu dùng để sản xuất, pha trộn, đóng gói các sản phẩm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản gồm: trên 2,6 tấn các loại đậu; gần 3.000 chai và can nhựa chứa dung dịch chất lỏng; trên 1.200 gói chứa chất bột; 9 cối xay bột; 6 cân điện tử; nhiều chai nhựa, bao bì chưa qua sử dụng cùng nhiều tang vật có liên quan.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tạm giữ trên 6.000 sản phẩm đã đóng gói, đóng chai có dán nhãn nhưng không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ… Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Sóc Trăng tiếp tục điều tra làm rõ.

Hiện nay, trên thị trường trong nước hay xuất khẩu ra nước ngoài, các doanh nghiệp cần chú trọng đến tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản như ASC, GlobalGAP và BAP.

Tiêu chuẩn ASC

ASC (Aquaculture Stewardship Council) – Hội Đồng Quản Lý Nuôi Trồng Thủy Sản, là tổ chức độc lập, phi chính phủ và phi lợi nhuận.

Tiêu chuẩn nuôi trồng thuỷ sản ASC được thành lập vào năm 2009 bởi WWF (World Wildlife Fund: Quỹ Động vật hoang dã Thế giới) và IDH (Dutch Sustainable Trade Initiative: Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan) với mục đích nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu cho việc nuôi trồng thuỷ sản.

Tiêu chuẩn này chủ yếu tập trung vào các khía cạnh môi trường và xã hội, được xây dựng dựa theo hướng dẫn của tổ chức Liên minh Quốc tế về Công nhận và Dán nhãn Môi trường và Xã hội: ISRAEL.

Tiêu chuẩn BAP

BAP (Best Aquaculture Practices) – Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của tổ chức Global Aquaculture Alliance (GAA: Liên minh Thủy sản toàn cầu).

Tiêu chuẩn chứng nhận BAP được thực hiện cho nhiều lĩnh vực khác nhau từ trại giống, nhà máy thức ăn đến trang trại và nhà máy chế biến thuỷ sản.

Chứng nhận BAP tập trung chủ yếu vào các mảng trách nhiệm với xã hội, môi trường, sức khỏe động vật, an toàn thực phẩm và chương trình truy xuất nguồn gốc tự nguyện đối với các cơ sở thủy sản.

Các doanh nghiệp, trang trại nuôi trồng đạt được chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng thuỷ sản BAP sẽ được cấp nhãn chứng nhận BAP in trên bao bì sản phẩm, thể hiện sự cam kết của nhà sản xuất với khách hàng trong việc cung cấp thủy sản sạch và được khai thác bền vững.

Tiêu chuẩn GlobalGAP

GlobalGAP là tổ chức tư nhân thiết lập các tiêu chuẩn tự nguyện cho việc chứng nhận quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu.

Tiền thân của tiêu chuẩn GlobalGAP là EurepGAP, được thành lập vào năm 2000 bởi các hệ thống siêu thị và những nhà cung cấp lớn ở châu Âu. Đến 9/2007, đổi tên thành GlobalGAP với mục đích mở rộng và nâng tầm quốc tế.

Có thể nói, bộ tiêu chuẩn GlobalGAP đóng vai trò như một quyển Sổ tay hướng dẫn về Thực hành Nông nghiệp tốt (GAP) và được thiết kế nhằm cam đoan với người tiêu dùng về: đảm bảo tính an toàn thực phẩm, giảm thiểu sự tác động đến môi trường do các hoạt động nông trại, cung cấp các hướng dẫn về an sinh động vật, đồng thời duy trì nguyên tắc có trách nhiệm đối với sức khỏe và sự an toàn của người lao động.

 Bảo Linh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích