Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải có trách nhiệm về tình trạng thiếu điện

Khó khăn về cả thủy điện và nhiệt điện đang khiến tình trạng mất điện kéo dài ở miền Bắc trong những ngày qua. Theo tính toán của Bộ Công Thương, hệ thống điện miền Bắc đang thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Khi đó, hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết giờ trong ngày.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cũng phải có một phần trách nhiệm trong việc đẩy nhanh đầu tư các dự án điện mới.

Ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải có một phần trách nhiệm trong việc đẩy nhanh đầu tư các dự án điện mới.

Theo Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), khi để xảy ra tình trạng thiếu điện, không chỉ có trách nhiệm của Bộ Công Thương, mà còn trách nhiệm của các bộ ngành khác, trong đó không thể không kể đến Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp. Cơ quan này đang là đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 7 tập đoàn và 12 tổng công ty. Trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Chính phủ đang giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, quản lý tổng số tài sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn Nhà nước.

Thực tế hiện nay đang chậm phát triển các dự án năng lượng mới. Điển hình như dự án Nhiệt điện Ô Môn III và IV (Cần Thơ) đã chậm trễ nhiều năm mà chưa thể triển khai.

“Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cần phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ mà Chính phủ giao để hoạt động hiệu quả, đẩy nhanh các dự án điện mới. Tôi cho rằng, Ủy ban cần phải hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, rõ ràng, rõ trách nhiệm của mình”- ông Hạ nói.

Về việc các nhà máy nhiệt điện Ô Môn chậm tiến độ trong nhiều năm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, điều này đang gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Việc chậm trễ không chỉ ảnh hưởng hiệu quả dự án mà còn ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho nền kinh tế.

“Việc chậm trễ các thủ tục pháp lý để triển khai dự án cũng là một phần nguyên nhân khiến các dự án chưa thể triển khai. Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cần xem xét lại trách nhiệm của mình, cùng đồng hành với các cơ quan khác, với doanh nghiệp để đẩy nhanh dự án”- ông Hòa nói.

Cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cũng phải hoạt động dựa trên các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Hòa, không thể lấy lý do theo quy định mà chậm trễ trong triển khai các công việc khác.

“Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải vào cuộc, không thể đứng ngoài cuộc khi để xảy ra tình trạng thiếu điện. Nhiều doanh nghiệp lớn đang bị cơ quan này quản lý về vốn. Muốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển lại phải trông chờ vào phê duyệt, kế hoạch, tổ chức thực hiện của Ủy ban. Do vậy, cơ quan này phải vào cuộc để đồng hành cùng các doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án. Nếu có khó khăn gì phải báo cáo Chính phủ”- ông Hòa nhấn mạnh.

Theo Nghị định 131/2018 của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được giao trách nhiệm và quyền hạn: Xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định.

Ngoài ra, cơ quan này có trách nhiệm xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng kế hoạch hoạt động dài hạn, 5 năm và hàng năm của Ủy ban và các chương trình theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình về quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, tính đến ngày 8/6/2023, trên cả nước, lưu lượng nước về hồ thủy điện vẫn ở mức thấp. Mực nước các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ thấp, một số hồ xấp xỉ dưới mực nước chết, 11 nhà máy thủy điện đã phải dừng hoạt động.

Theo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500-17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500 đến 2.700 MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc (cung đoạn đường dây 500kV Nho Quan – Hà Tĩnh).

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.

Lê Kim Liên

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích