Tin tức miền Tây 9/6: Đưa nghề truyền thống vào hoạt động du lịch 

Đưa nghề truyền thống vào hoạt động du lịch 

Theo Báo Cần Thơ, thông qua hoạt động đang rất phổ biến là workshop, các đơn vị làm du lịch chuyển tải những câu chuyện văn hóa, làng nghề, ẩm thực bản địa đến du khách. Tại TP Cần Thơ, Mekong Silt Ecolodge (ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) được biết đến là đơn vị thường xuyên tổ chức workshop nghề truyền thống đến gần du khách.

Hoạt động đan các sản phẩm lục bình vẫn diễn ra mỗi ngày tại Mekong Silt Ecolodge. Ảnh: Báo Cần Thơ

Trong khuôn viên xanh mát của Mekong Silt Ecolodge, du khách sẽ thấy những hình ảnh quen thuộc: dệt chiếu, đan vỏ lục bình, làm bánh dân gian… Những hoạt động này diễn ra mỗi ngày, như là một phần thường có tại khu nghỉ dưỡng. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ khu Mekong Silt Ecolodge, cho biết: “Hiện tại, rất nhiều du khách quốc tế có xu hướng tìm hiểu về tập quán lao động và văn hóa bản địa. Tôi cho rằng làng nghề là tinh hoa của dân tộc và luôn ước mơ phục dựng, phát triển các làng nghề. Ngày trước sản phẩm làng nghề của chúng ta chỉ được bán kèm, nhưng nay tôi muốn đưa vào du lịch, như là cách làm tăng giá trị sản phẩm, vừa giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời qua đó góp phần gìn giữ làng nghề, lan tỏa được những nét đẹp văn hóa đến du khách, nhất là khách quốc tế”.  

Đưa làng nghề vào du lịch là bài toán khó, nhất là về nhân lực. Những người làm nghề thủ công như dệt chiếu, đan rổ, đánh võng hay đan giỏ… không dễ tìm, nhất là những nghề xưa. Tuy nhiên đội ngũ của Mekong Silt Ecolodge vẫn không ngừng tìm hiểu, học tập từ những người dân cố cựu ở khắp các tỉnh thành ĐBSCL, từ đó mang mô hình làng nghề về. Những nhân viên tại Mekong Silt Ecolodge chịu khó, có tâm huyết và yêu nghề. Một trong số họ là Trương Thanh Quyên (Kiên Giang) tốt nghiệp ngành Việt Nam học, đã gắn bó với Mekong Silt Ecolodge suốt 3 năm qua, từ thời điểm khu nghỉ dưỡng đi vào hoạt động. Trương Thanh Quyên là người chịu trách nhiệm chính các chương trình workshop về làng nghề, ẩm thực. Cô chia sẻ: “Tôi học văn hóa và có tình yêu với văn hóa bản địa, nên ở đâu có cái gì hay là đều học, sau đó đem về ứng dụng trong du lịch. Đối với các làng nghề, tôi học và biết cách thực hành từ những người địa phương, sau đó mình ứng dụng vào du lịch với những sản phẩm đa dạng hơn”.

Long An: Sạt lở nghiêm trọng, 8 căn nhà sụp xuống sông Cần Giuộc

Báo Giao Thông cho biết, khoảng 2h sáng 8/6, 8 căn nhà dạng ki-ốt của người dân nằm sát mé đường tỉnh 826C (huyện Cần Giuộc, Long An) bị sạt lở xuống sông. Trong số đó, có một hộ dân đang sinh sống, còn các hộ khác đã được chính quyền vận động di dời đi nơi khác ở từ trước.

Sạt lở làm 8 căn nhà sụp xuống sông Cần Giuộc, Long An. Ảnh: Báo Giao Thông

Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại lớn về tài sản. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với các lực lượng bảo vệ hiện trường, nỗ lực trục vớt tài sản của người dân.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc, tình trạng sạt lở đã lấn đến mép đường tỉnh 826C, mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt. Người dân địa phương lo sợ khi nước sông rút xuống, đoạn đường giao thông này sẽ tiếp tục bị sạt lở.

Tỉnh lộ 826C kết nối các xã thuộc vùng hạ của huyện Cần Giuộc, nếu bị sạt lở sẽ cắt đứt lưu thông trong khu vực. UBND huyện đang làm báo cáo khẩn gửi các cơ quan chức năng để có giải pháp khẩn cấp.

“Sạt lở kéo dài khoảng 1,2km đã được chính quyền cảnh báo trước đó. Tỉnh Long An đã lập dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ sông Cần Giuộc đoạn qua xã Phước Lại với chiều dài khoảng 1,2km và trình Trung ương để xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 280 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa được bố trí kinh phí”, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, cho biết.

Bến Tre quan tâm hút vốn đầu tư vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo

Theo mekongasean.vn, chiều ngày 8/6, Công ty TNHH Pacific Group, đại diện cho Tập đoàn ICM COM – doanh nghiệp đầu tư về hạ tầng và năng lượng tái tạo của Nhật Bản, đã đề xuất đầu tư dự án Cụm công nghiệp An Hòa Tây tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre chuyên sản xuất cấu kiện, thiết bị điện gió thế hệ mới, có công suất nhỏ phục vụ cho nhu cầu hộ gia đình và nhà máy sản xuất.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre làm việc với các nhà đầu tư. Ảnh: mekongasean.vn

Theo đề xuất của nhà đầu tư, cụm công nghiệp này sẽ có diện tích 50ha sẽ được lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống xử lý nước thải tiên tiến của Nhật Bản nhằm tối ưu hóa việc khai thác năng lượng tái tạo cũng như sử dụng nguồn nước…

Dự án có tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – Chi nhánh Bến Thành là đơn vị thu xếp khoản tín dụng xấp xỉ 480 tỷ đồng cho dự án này.

Trước đó, ngày 7/6, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam cũng đề xuất với UBND tỉnh về việc nghiên cứu phương án đầu tư Tổ hợp dự án Hydro xanh Bến Tre tại huyện Thạnh Phú.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, Tổ hợp dự án Hydro xanh Bến Tre có diện tích khoảng 106,45ha, gồm 3 hợp phần: Hợp phần 1 là Nhà máy Hydro xanh Bến Tre, Hợp phần 2 là Tổ hợp cấp nguồn cho dự án và Hợp phần 3 là Bến cảng xuất amoniac và hydro xanh.

Giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng Nhà máy sản xuất Hydro xanh có quy mô nguồn 400MW, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thông qua lưới điện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Công suất dự kiến sản xuất hydro đạt 45.000 tấn/năm, sản lượng hydro dành cho thương mại khoảng 13.500 tấn/năm. Vị trí đặt nhà máy tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.

Về giải pháp công nghệ, Nhà máy sản xuất Hydro xanh do Trung Nam đề xuất thông qua công nghệ điện phân nước (bằng công nghệ kiềm – AKL) với nguồn điện từ dự án điện gió và mặt trời tại khu vực dự án và các dự án năng lượng tái tạo khác (thông qua cơ chế DPPA). Giải pháp này cho kết cấu nhỏ gọn với hiệu suất tốt và độ tin cậy hoạt động cao. Nhà máy bao gồm 2 dây chuyền sản xuất, mỗi dây chuyền gồm 40 máy điện phân, mỗi máy điện phân công suất 1.000 Nm3/h (lưu lượng khí nén).

Cần Thơ kiện toàn Ban Chỉ đạo hỗ trợ xúc tiến đầu tư

Theo Báo Đầu tư, ngày 8/6, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường ký ban hành Quyết định số 1350/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo hỗ trợ xúc tiến doanh nghiệp đầu tư vào thành phố.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch về xúc tiến và hỗ trợ thu hút đầu tư của thành phố. Ảnh: Báo đầu tư

Ban Chỉ đạo hỗ trợ xúc tiến doanh nghiệp đầu tư vào TP. Cần Thơ là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp UBND thành phố cung cấp thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư của thành phố; xúc tiến, quảng bá hình ảnh của thành phố đến các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; hỗ trợ thủ tục pháp lý có liên quan cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư vào TP. Cần Thơ.

Về nhiệm vụ và quyền hạn, Ban có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch về xúc tiến và hỗ trợ thu hút đầu tư của thành phố.

Chỉ đạo cung cấp thông tin về tiềm năng, thế mạnh, thông tin kinh tế xã hội, các cơ chế, chính sách về đầu tư của thành phố; cung cấp thông tin cần thiết về các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của thành phố.

Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu về quy định pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; hỗ trợ thực hiện các thủ tục có liên quan khi tham gia đầu tư dự án vốn ngoài ngân sách tại TP. Cần Thơ. Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục đầu tư, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, đề xuất Chủ tịch UBND thành phố xử lý các vi phạm về hoạt động công vụ liên quan đến công tác hỗ trợ xúc tiến đầu tư (nếu có).

Về chế độ làm việc, Trưởng ban, Phó trưởng ban, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Xác định danh tính người đàn ông đánh phụ nữ dã man ở quán ăn

Báo Vietnamnet cho hay, ngày 9/6, Công an phường 5 (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đã xác định được danh tính người đàn ông đánh phụ nữ dã man trong quán ăn. Vụ việc được camera ghi lại, sau đó được đăng tải lên mạng xã hội gây bức xúc. 

Hình ảnh người đàn ông cầm bàn ăn đập lên người phụ nữ được camera ghi lại. Ảnh: Chụp màn hình 

Công an đã mời hai người trong clip lên làm việc. Theo đó, người đàn ông là P.M.S. (38 tuổi, ngụ khóm 3, phường 6) làm nghề tài xế và còn người phụ nữ là bà L.T.H.A (43 tuổi, ngụ khóm 8, phường 5). 

Qua xác minh ban đầu, năm 2021, ông S. và bà A. chung sống như vợ chồng với nhau ở phường 5, TP Cà Mau. 

Khoảng 22h ngày 4/6, hai người này đến quán mì nằm trên đường Trần Hưng Đạo (khóm 6, phường 5) để ăn tối.

Do ghen tuông, hai người xảy ra cự cãi, đánh nhau. Sau khi vụ việc xảy ra, hai người ra về, sinh hoạt bình thường. Đến ngày 7/6, Công an phường 5 mời hai người lên làm việc. Bà A. không bị thương tích nên không yêu cầu xử lý hành vi của ông S. 

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài 1 phút 30 giây, ghi lại cảnh người đàn ông đánh dã man người phụ nữ ngồi ăn cùng bàn.

Theo đoạn clip, người đàn ông mặc áo đỏ và 1 phụ nữ áo đen đang ngồi ăn cùng bàn. Bất ngờ, người đàn ông đứng dậy ném tô thức ăn vào người phụ nữ. Người phụ nữ đánh trả lại. Lúc này, người đàn ông đánh người phụ nữ té ngã xuống sàn, rồi lấy bàn ăn đập mạnh vào nạn nhân. Ông ta còn dùng chân đá mạnh vào đầu người phụ nữ…

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích