Tin tức miền Tây 10/6: Chốt ngày khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng

Thủ tướng chốt ngày khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng

Theo Báo Pháp luật TP HCM, ngày 9/6, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hoả tốc gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang… truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức khởi công các dự án đường bộ cao tốc.

Ba cao tốc trục ngang và 1 tuyến đường vành đai trọng điểm sẽ đồng loạt được khởi công trong hai ngày 17 và 18/6 (Ảnh minh họa)

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý tổ chức khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vào ngày 17-6. Nơi tổ chức lễ khởi công tại tỉnh An Giang (điểm cầu chính).

UBND tỉnh An Giang được giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với UBND TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng trong việc kết nối các điểm cầu theo hình thức trực tuyến.

Đối với việc tổ chức khởi công đồng loạt các Dự án (Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột) vào ngày 18-6 (TP.HCM là điểm cầu chính)

UBND TP.HCM, Bộ GTVT và UBND các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk và các địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc kết nối các điểm cầu theo hình thức trực tuyến; hoàn thành thủ tục, các điều kiện để tổ chức khởi công các dự án.

Đồng thời, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn các địa phương liên quan về các thủ tục, điều kiện để tổ chức khởi công các dự án. Việc tổ chức Lễ khởi công các dự án phải đủ thủ tục, các điều kiện theo quy định và phải bảo đảm an toàn, trang trọng, tiết kiệm.

Cần Thơ phấn đấu thuộc nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu về Chỉ số PAR INDEX, SIPAS và PAPI 

Báo Cần Thơ thông tin, UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của thành phố năm 2023 và những năm tiếp theo.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ảnh: Báo Cần Thơ

Theo đó, TP Cần Thơ phấn đấu thuộc nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu về chỉ số PAR INDEX, SIPAS và PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo. UBND thành phố yêu cầu kế hoạch được triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền. Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các sở, ban, ngành thành phố với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của quận, huyện, xã, phường, thị trấn; xác định cải thiện và nâng cao các chỉ số trên là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã. Các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan chủ trì nhiệm vụ, giải pháp, đánh giá đúng thực trạng, kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến việc xác định các chỉ số PAR INDEX, SIPAS và PAPI. Ðồng thời, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả kế hoạch triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2023.

Trên cơ sở nội dung kế hoạch, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình, các đơn vị, địa phương cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch chủ động triển khai, thực hiện theo nhiệm vụ và thẩm quyền. Trong kế hoạch của từng cơ quan, đơn vị cần phân công rõ trách nhiệm, vai trò người đứng đầu và giữa các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc để có cơ sở kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện của các đơn vị. Chủ tịch UBND các quận, huyện thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra công vụ, tăng cường kiểm tra đột xuất tại địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc; chủ động phối hợp Ủy ban MTTQVN cùng cấp hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra UBND cấp xã trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

An Giang tăng cường chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP

Theo Tạp chí Công thương, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch 363/KH-UBND ngày 15/5/2023, về thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2023. Trong đó yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá bằng nhiều hình thức nhằm tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển dịch vụ DL gắn kết chặt chẽ trong chuỗi sản phẩm OCOP.

Bánh hạnh nhân sản phẩm OCOP 4 sao của An Giang. Ảnh: Tạp chí Công thương

Thời gian qua, tỉnh An Giang đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, việc đẩy mạnh chương trình sản phẩm OCOP có vai trò đặc biệt quan trọng, là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, giúp cho đời sống người dân ở nông thôn An Giang được cải thiện.

Tính đến nay, tỉnh An Giang đã có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có: 2 sản phẩm đạt 5 sao – cấp Quốc gia, 16 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm đạt 3 sao. Phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có thêm 40 – 50 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 10 sản phẩm OCOP từ 4 sao trở lên. Đồng thời, rà soát sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng lại sau khi hết 36 tháng; ít nhất 5 sản phẩm đề xuất đánh giá nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, chú trọng phát triển hình thức thương mại điện tử. Trong đó, tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế tiếp cận với kênh bán hàng, sàn giao dịch điện tử, trang thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) nhằm tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển dịch vụ DL gắn kết chặt chẽ trong chuỗi sản phẩm OCOP.

Phê duyệt đề xuất dự án nâng cấp 3 tuyến Quốc lộ ở ĐBSCL

Báo Pháp luật TP HCM, cho biết, Thủ tướng vừa có quyết định về việc phê duyệt đề xuất dự án cải tạo nâng cấp 3 tuyến quốc lộ 53, 62, 91B tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Quốc lộ 62 nhỏ hẹp, xuống cấp thường xảy ra tình trạng kẹt xe, nhất là vào dịp lễ, tết. Ảnh: Pháp luật TP HCM

Cụ thể, quyết định phê duyệt đề xuất Dự án “Nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ (53, 62, 91B) tại Đồng bằng sông Cửu Long” (dự án) có cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải, nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới (WB) được ký ngày 7-6.

Theo đó, Quốc lộ 53 (đoạn Long Hồ – Ba Si) được nâng cấp, cải tạo thành đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; cầu Ngã Tư tại Km8+308.

Quốc lộ 62 (qua tỉnh Long An) được nâng cấp, cải tạo thành đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m. Hướng tuyến theo hướng tuyến hiện hữu, đoạn tuyến qua thị trấn Tân Thạnh làm mới tuyến tránh dự kiến từ Km41 + 100 – Km49+150.

Quốc lộ 91B (tuyến Nam Sông Hậu), đoạn 1 từ ngã 5 cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui có quy mô mặt cắt ngang giữ nguyên theo hiện trạng; hướng tuyến theo hướng tuyến hiện hữu.

Đoạn 2 từ cầu Cái Cui đến ngã ba giao giữa Quốc lộ 91B với đường tỉnh Bạc Liêu – Vĩnh Châu và đường dẫn phía mố A đường vào cầu Tôn Đức Thắng. Các đoạn tuyến hiện hữu có nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m được giữ nguyên quy mô; Những đoạn nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 6m mở rộng, nâng cấp thành đường cấp III đồng bằng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo sự phù hợp với quy định của pháp luật và thông báo với Ngân hàng thế giới về Đề xuất Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ GTVT rà soát các hạng mục đầu tư để tránh trùng lắp và lãng phí, bảo đảm hiệu quả trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Tiền Giang: Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả để xuất khẩu

TTXVN cho hay, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, tỉnh đã cấp được 271 mã số, với 20.050ha vườn cây ăn quả; trong đó 175 mã số với gần 19.000 của 7 chủng loại cây trồng.

Thu hoạch sầu riêng ở ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Nằm ở khu vực sông Tiền, có lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước phát triển tiềm năng kinh tế vườn, Tiền Giang đã mở rộng diện tích vườn cây ăn quả các loại lên trên 82.000ha, cho sản lượng mỗi năm trên 1,74 triệu tấn quả cung ứng thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, tỉnh đã hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh tập trung như vùng sầu riêng có 17.650 a, cho sản lượng mỗi năm trên 278.000 tấn quả; vùng thanh long 8.900ha, cho sản lượng trên 260.000 tấn; vùng bưởi 4.730ha với trên 86.000 tấn; dứa có 14.460ha với trên 250.000 tấn….

Các loại trái cây chủ lực của tỉnh đều là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao. Ước tính, khoảng 70% sản lượng trái cây tươi Tiền Giang xuất khẩu qua Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương định hướng phát triển cây ăn trái thành ngành hàng chiến lược hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị tăng thêm, giúp đổi mới nông nghiệp-nông thôn-nông dân và xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn.

Theo đó, Tiền Giang ưu tiên phát triển các nhóm cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh, nhu cầu tiêu dùng lớn, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong ngoài nước như thanh long Chợ Gạo, dứa Tân Phước, sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc,… theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh mang tính hàng hóa giá trị cao…

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích