Thành phố Biên Hòa được điều chỉnh quy hoạch thành đô thị dịch vụ và công nghiệp

Thành phố Biên Hòa được điều chỉnh quy hoạch thành đô thị dịch vụ và công nghiệp

Phát triển TP.Biên Hòa trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy thế mạnh kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg (ngày 17/3/2023) phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố, 30 đơn vị hành chính cấp phường/ xã với diện tích hơn 26.407 ha.

Mục tiêu của việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch là chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”; hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.

Cụ thể, phát triển TP. Biên Hòa trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vai trò quan trọng trong vùng đô thị TP.HCM; phát huy thế mạnh kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Tạo lập không gian đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng xã hội hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố. Hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa, lịch sử đặc trưng; đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng – an ninh của vùng và quốc gia.

TP. Biên Hoà có tính chất là đô thị loại I, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai; có vai trò là đô thị hạt nhân trong vùng đô thị trung tâm của tỉnh; là một trong các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, du lịch, khoa học – công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo; đầu mối logistics quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam bộ.

Đồng thời, TP. Biên Hòa là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng trong vùng Đông Nam bộ, gắn với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 3 – TP.HCM và cảng Đồng Nai; là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng – an ninh của vùng cũng như của cả nước.

Dự kiến, đến năm 2030, thành phố Biên Hoà có quy mô dân số từ 1,5-1,6 triệu người; năm 2045 đạt từ 1,9-2 triệu người.

Hiện nay, Biên Hòa đang có số dân khoảng 1,2 triệu người, là đơn vị cấp huyện có số dân lớn nhất cả nước (Ngoại trừ thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh theo cơ chế đặc thù của Quốc hội).

Với dân số trên, Biên Hòa đang có số dân đông hơn khoảng 30 đơn vị cấp tỉnh trong cả nước. Hàng năm Biên Hòa lại phải tiếp nhận thêm một lượng người khá lớn từ khắp mọi miền đất nước đến làm việc, sinh sống.

Điều này, đặt ra áp lực rất lớn cho hệ thống chính trị tại địa phương, nhất là giải quyết vấn đề giáo dục, y tế, giao thông, nhà ở cho người dân và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Quy hoạch cũng yêu cầu phát triển TP. Biên Hoà theo các tiêu chí, như: nâng cao chất lượng các khu chức năng hiện hữu là động lực phát triển của đô thị như: các khu công nghiệp Biên Hoà II, Amata, Loteco, Agtex Long Bình, khu du lịch Bửu Long… Hình thành các trung tâm là động lực phát triển mới của đô thị để đáp ứng các yêu cầu về phát triển dịch vụ, văn hoá, khoa học – công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo, đầu mối logistics…

Bên cạnh đó, hướng phát triển đô thị cần tạo sự kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành; đề xuất kết nối sân bay Biên Hoà với các khu vực chức năng đô thị; Định hướng hệ thống cây xanh và không gian mở đô thị gắn với cảnh quan sông Đồng Nai, sông Cái, cù lao Hiệp Hoà… Rà soát quỹ đất rừng trồng tại các phường Trảng Dài, Phước Tân, Tam Phước để đề xuất khai thác phù hợp…

Được biết, hiện nay, Biên Hòa đang có số dân khoảng 1,2 triệu người, là thành phố thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, tương đương với 2 thành phố trực thuộc trung ương là Đà Nẵng và Cần Thơ và cao hơn dân số của 37 tỉnh, thành phố khác (ngoại trừ TP. Thủ Đức, TP.HCM, theo cơ chế đặc thù của Quốc hội).

Biên Hòa còn là một thành phố công nghiệp của tỉnh Đồng Nai với hệ thống các khu công nghiệp lớn khi đã có 31 khu công nghiệp đã vào hoạt động. Ngoài ra, cùng với cảng hàng không quốc tế Long Thành đang xây dựng, hệ thống cảng biển, như: cảng Gò Dầu và cảng Cái Mép – Thị Vải; cảng Phước An cũng đang được xây dựng… cũng như các tuyến quốc lộ lớn chạy qua, như: quốc lộ 1 (chiều dài đi qua là 13 km), quốc lộ 1K (chiều dài đi qua là 14 km và quốc lộ 51 (chiều dài đi qua là 16 km), do đó, tỉnh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 20-25%/ hằng năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của tỉnh từ 10-15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 35%…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích