Thanh niên hành động vì khí hậu trên toàn cầu

Thanh niên hành động vì khí hậu trên toàn cầu

Thanh niên là một trong số những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu nhưng cũng là động lực thúc đẩy hành động hướng tới chuyển đổi nền kinh tế xanh nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

tm-img-alt
Tình trạng cháy rừng tại Bắc California trầm trọng qua các năm. (Ảnh: CNN)

Tiếng nói và hành động của thanh niên Hoa Kỳ

Kevin J.Patel là một nhà hoạt động môi trường sống tại thành phố Los Angeles (Hoa Kỳ), anh sáng lập tổ chức OneUpAction khi mới bước sang tuổi 20, với mục đích giúp đỡ các cộng đồng dễ bị tổn thương, thúc đẩy hành đồng vì khí hậu. Chia sẻ về câu chuyện của mình với tờ Guardian (Anh), Patel cho biết, khi anh 12 tuổi, người dân thành phố Los Angeles đã phát sinh nhiều vấn đề sức khoẻ do chất lượng không khí kém. Theo báo cáo thường niên về tình trạng không khí do Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ công bố, trong hơn hai thập kỷ qua, “thành phố thiên thần” liên tục được ghi nhận là thành phố ô nhiễm tầng ozone nghiêm trọng nhất xứ sở cờ hoa. Người dân thành phố đã quá quen thuộc với lớp sương mù dày đặc bao phủ xung quanh họ.

Mặt khác, một nhà hoạt động môi trường khác đến từ vùng phía Bắc của bang California (Hoa Kỳ), Jonah Gottlieb là người dẫn chương trình podcast “Our Future Now!” (tạm dịch: Tương lai của chúng ta nằm ở hiện tại) và đồng khởi xướng chiến dịch “National Children’s Campaign” (tạm dịch: Chiến dịch Trẻ em Quốc gia) khi chỉ mới 18 tuổi. Cộng đồng người dân khu vực Bắc California được xem là bị tổn thương trực tiếp và nặng nề bởi cuộc khủng hoảng khí hậu khi đây là nơi thường xuyên xảy ra các đám cháy rừng lớn. Điển hình là đám cháy rừng Mill Fire vào ngày 2/9/2022 đã thiêu rụi khoảng 100 ngôi nhà và khiến hàng nghìn người phải sơ tán. Sinh ra và lớn lên tại đây, Gottlieb nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của bản thân phải hành động vì tương lai của chính mình và những người trẻ tuổi khác trước những thách thức của biến đổi khí hậu. National Children’s Campaign do anh đồng sáng lập là một tổ chức phi lợi nhuận nỗ lực kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ và giúp đỡ giới trẻ ở Hoa Kỳ trước những mối đe doạ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, trong đó có thể kể tới mối đe doạ đến từ cuộc khủng hoảng khí hậu.

Những cá nhân trẻ tuổi như Patel và Gotttlieb chỉ là một số trong hàng triệu thanh niên trên toàn đất nước Hoa Kỳ đã nhận thức được vấn đề và bắt đầu hành động để cùng chung tay chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu và những hậu quả nặng nề của nó. “Những người trẻ tuổi có vị trí đặc biệt trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu bởi vì chúng tôi sẽ là những người phải đối mặt với hậu quả nặng nề của nó. Chúng tôi có cảm giác cấp bách với tư cách là thế hệ cuối cùng có thể làm chậm tác động của sự nóng lên toàn cầu trước khi quá muộn”, Patel chia sẻ.

Hành động vì khí hậu bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất của bản thân, ví dụ như thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển từ đi xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang phương tiện công cộng sử dụng nhiên liệu xanh hơn, ít tiêu dùng nhựa, chuyển sang chế độ ăn thuần thực vật để giảm tệ nạn săn bắt động vật hoang dã, tham gia trồng cây cùng cộng đồng và các hoạt động của các tổ chức bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ còn bỏ nhiều thời gian, công sức hơn để phát triển các mô hình làm phân hữu cơ, mô hình tài chế và các sáng kiến “xanh” khác nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, họ còn thành lập các nhóm vận động chính sách trong cộng đồng của mình để đưa ra những tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn vì môi trường và cộng đồng bản địa.

Rõ ràng, hành động vì khí hậu không thể chỉ là công việc của một người hoặc một nhóm người, “sự đoàn kết là cần thiết” để đạt được kết quả nào đó đối với cộng đồng người trẻ tuổi, Gottlieb khẳng định.

Đam mê và cống hiến

Trong xu hướng thanh niên hành động vì khí hậu, có lẽ không ai không biết tới cô bé người Thụy Điển Greta Thunberg (sinh năm 2003) – người được tạp chí Time (Hoa Kỳ) bình chọn là “Nhân vật của năm” vào năm 2019, đồng thời từng được đề cử giải Nobel Hòa bình vì những gì cô bé đã đóng góp cho phong trào chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

tm-img-alt

Thanh niên trên toàn thế giới hành động vì khí hậu bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. (Ảnh: Voice of Youth)

Trăn trở với vấn đề biến đổi khí hậu từ khi mới 8 tuổi, Thunberg phát động phong trào “Những ngày Thứ Sáu cho tương lai” hay “Biểu tình trường học vì khí hậu” vào năm 2018 khi vẫn còn đang ngồi ghế nhà trường. Theo tờ Business Insider, hồi tháng 11/2018, Thunberg tổ chức một cuộc đình công trong 2 tuần bên ngoài quốc hội Thụy Điển yêu cầu Chính phủ cắt giảm phát thải 15% một năm. Thunberg vẫn tiếp tục dành những ngày Thứ Sáu mỗi tuần để biểu tình. Nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi này cũng đã gặp rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới trong nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm Giáo hoàng Francis tại Vatican, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama,…

Theo tạp chí Time, Thunberg “đã thành công trong việc tạo ra sự thay đổi thái độ toàn cầu, biến hàng triệu nỗi lo lắng mơ hồ thành một phong trào kêu gọi hành động khẩn cấp trên khắp thế giới”. Đáng nói, vào ngày 20/9/2019, hơn 4 triệu người đã hưởng ứng lời kêu gọi của Greta và tham gia vào các cuộc tuần hành vì khí hậu tại 161 quốc gia trên thế giới. Người lớn cũng nghỉ làm để tham gia cùng những người biểu tình trẻ tuổi ở hầu hết các thành phố lớn trên thế giới. Đây là cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ, cô bé sinh năm 2003 chính là biểu tượng quyết tâm của thanh niên bảo vệ tương lai của chính mình trước cuộc khủng hoảng khí hậu đang đến gần. Từ một số cá nhân, các phong trào thanh niên hành động vì khí hậu đã lan toả rộng khắp thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Chính vì thế, trao quyền cho thanh niên cũng là một nội dung chính trong các chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc trong những năm gần đây.

“Biến đổi khí hậu là cuộc chiến của chúng ta và những người trẻ tuổi đã và đang ở tuyến đầu dẫn đầu trách nhiệm cho công lý khí hậu. Niềm tin không ngừng của những người trẻ tuổi là trọng tâm để giữ các mục tiêu khí hậu trong tầm tay, đẩy lùi cơn nghiện nhiên liệu hóa thạch của thế giới và mang lại công bằng khí hậu”, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc António Guterres cho biết.

Tổng Thư ký mới đây đã công bố tên của bảy nhà lãnh đạo khí hậu trẻ được chọn để phục vụ trong Nhóm Cố vấn Thanh niên về biến đổi khí hậu của LHQ. Đó là Ayisha Siddiqa (Hoa Kỳ), Beniamin Strzelecki (Ba Lan), Fatou Jeng (Cộng hoà Gambia), Jevanic Henry (Saint Lucia), Josefa Tauli (Philippines), Joice Mendez (Colombia/Paraguay) và Saoirse Exton (Ireland).

“Đến từ một quốc đảo nhỏ đang phát triển, cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục và không ngừng tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh kế của người dân. Sự tồn tại của chúng tôi giờ đây phụ thuộc vào những cam kết mạnh mẽ hơn của cộng đồng toàn cầu thống nhất trong việc khẩn trương thúc đẩy chương trình nghị sự về khí hậu. Trong bối cảnh đó, nhiệt huyết và sức ảnh hưởng của những người trẻ tuổi là chất xúc tác để thúc đẩy hành động tăng tốc rất cần thiết này” – Jevanic Henry, thành viên của Nhóm đến từ Saint Lucia cho biết.

Theo đó, vai trò nhóm cố vấn là thúc đẩy tăng tốc các mục tiêu về khí hậu dựa trên chuyên môn đa dạng và công việc cấp cơ sở của họ, trên khắp các quốc gia khác nhau mà họ đại diện. Thanh niên, đặc biệt là nhóm đến từ những cộng đồng yếu thế và dễ bị tổn thương nhất, cần phải được khuyến khích tham gia vào quy trình ra quyết định liên quan đến tiến trình xanh hóa nền kinh tế, đặc biệt là những quyết định có tác động trực tiếp đến sự nghiệp của các em trong tương lai. Các thành viên của nhóm sẽ hợp tác rộng rãi với các nhà lãnh đạo trẻ khác và tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo, cũng như các phong trào thanh niên hành động vì khí hậu trên khắp thế giới, để kết hợp các quan điểm khác nhau về các giải pháp khí hậu và báo cáo kết quả trực tiếp cho Tổng Thư ký.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích