Thái Nguyên: Xử lý dứt điểm vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

(Xây dựng) – Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có chỉ đạo tới các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm vi phạm.

Thái Nguyên: Xử lý dứt điểm vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
Công trình vi phạm tại khu vực hồ Suối Lạnh đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Trong những năm qua, hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp và quản lý, khai thác, bảo vệ, đáp ứng được yêu cầu về nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt… phục vụ phát triển các ngành kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tại các địa phương có chiều hướng ngày một gia tăng; công tác phối hợp giữa chủ quản lý công trình và chính quyền, trách nhiệm vào cuộc của một số cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương trong phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm còn hạn chế, tỷ lệ các vụ vi phạm được xử lý chưa cao, nhiều vụ vi phạm chưa được xử lý kịp thời làm ảnh hưởng đến việc vận hành, đảm bảo an toàn công trình.

Theo đó, tình trạng lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi vẫn thường xuyên xảy ra, với mức độ phức tạp và quy mô khác nhau ở tất cả các địa phương. Nhiều vụ việc vi phạm lớn xâm hại tại các hồ: Núi Cốc (xã Tân Thái, huyện Đại Từ), Suối Lạnh (xã Thành Công, thành phố Phổ Yên), Kim Đĩnh (xã Tân Kim, huyện Phú Bình)…

Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ghi nhận gần 200 vụ vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi như lấn chiếm xây dựng trái phép công trình, xây dựng nhà cửa, lều quán, san ủi đổ đất đá xuống lòng hồ… 9 tháng đầu năm 2022, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã lập biên bản yêu cầu dừng thi công 142 vụ, gửi công văn đề nghị chính quyền địa phương xử lý 103 vụ.

Phát biểu với báo chí, ông Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho rằng: Các hành vi vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi đã gây khó khăn cho công ty trong công tác điều tiết nước, quản lý, khai thác các công trình.

Trong khi đó, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên: Tỉnh Thái Nguyên giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên quản lý, vận hành gần 100 hồ thủy lợi lớn và nhỏ. Thế nhưng, đơn vị này lại cho thuê mặt nước khi chưa được phép, để hoạt động du lịch tự phát, mất an toàn, nước hồ bị ô nhiễm, thậm chí có tình trạng xây dựng công trình xâm hại hành lang bảo vệ hồ…

Trước thực tế trên, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi; Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Thủy lợi phối hợp với chính quyền địa phương, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm; rà soát, thống kê, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi còn tồn đọng.

Trước đó, ngày 01/6/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã có Văn bản số 2395/UBND-CNN&XD chỉ đạo: Xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên: Các trường hợp chậm giải quyết, hoặc giải quyết không triệt để, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố có giải pháp cụ thể xử lý trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp xã theo quy định (đối với hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền UBND cấp xã).

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm công tác quản lý Nhà nước về thủy lợi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chủ động phát hiện và xử lý các vụ vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (bao gồm công trình và vùng phụ cận của đập hồ chứa, đập dâng, tràn xả lũ, kênh tưới, kênh tiêu, cầu máng, trạm bơm…) trên địa bàn; chỉ đạo UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan ngăn chặn kịp thời vi phạm và kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc phát sinh, tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, gây bức xúc trong dư luận. Tăng cường giám sát, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong việc thực hiện công tác bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo quy định, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND tỉnh trong thực hiện nghiêm quy định.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyễn thực hiện nghiêm trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định đồng thời tiếp tục chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm ngay từ đầu. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, khai thác.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích