Vĩnh Long: Áp dụng công nghệ số nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Theo đó, mục tiêu tổng quát hỗ trợ thúc đẩy việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là doanh nghiệp SMEs) thông qua việc áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 20% doanh nghiệp SMEs được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Tối thiểu 15% doanh nghiệp SMEs được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp; 15% doanh nghiệp SMEs trên địa bàn tỉnh ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 15% doanh nghiệp SMEs có website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 40% doanh nghiệp SMEs được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Tối thiểu 30% doanh nghiệp SMEs được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp; 30% doanh nghiệp SMEs trên địa bàn tỉnh ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 30% doanh nghiệp SMEs có website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

 Ảnh minh họa.

Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức chuyển đổi số doanh nghiệp; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng về các hoạt động của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số và kế hoạch này cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức: xây dựng tài liệu, báo giấy, báo điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, Cổng/trang thông tin điện tử, các hội thảo, hội nghị, hội thi có nội dung liên quan đến hoạt động chuyển đổi số và các hình thức khác. Vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia Chương trình, sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số.

Thứ hai, triển khai các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số: Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Tổ chức đào tạo, tư vấn về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số; Tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng và khai thác hiệu quả các nền tảng số; Tổ chức đào tạo chuyên sâu theo quy mô, giai đoạn, lĩnh vực chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã; Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp SMEs sử dụng các nền tảng số tham gia chương trình để chuyển đổi số.

Thứ ba, tổ chức hội thảo, hội nghị và phối hợp các bộ, ban ngành, địa phương và các hiệp hội, các bên có liên quan để triển khai: Tổ chức hoặc phối hợp với các bộ, tỉnh, thành phố, các cơ quan, hiệp hội ngành nghề triển khai tổ chức các hội thảo, hội nghị về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; Hỗ trợ các nền tảng số tham gia chương trình tổ chức các sự kiện, hội thảo giới thiệu, quảng bá về các giải pháp, nền tảng xuất sắc hỗ trợ cho các doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số.

Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai chuyển đổi số: Tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng (ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch) để hỗ trợ chuyển đổi số. Hỗ trợ phát triển website thương mại điện tử cho doanh nghiệp (bao gồm: website, hosting, tên miền…); hỗ trợ doanh nghiệp 50% tổng kinh phí, tối đa không quá 5.000.000 đồng/doanh nghiệp, hỗ trợ ít nhất 10 doanh nghiệp; Hỗ trợ ứng dụng chữ ký số trong doanh nghiệp: hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký mới chữ ký số, hỗ trợ doanh nghiệp 50% tổng kinh phí, tối đa không quá 1.000.000 đồng/doanh nghiệp, hỗ trợ ít nhất 10 doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử, kết nối, liên kết với các sàn giao dịch kết nối cung – cầu theo từng ngành/lĩnh vực, kê khai bảo hiểm xã hội, khai báo thuế điện tử, hóa đơn điện tử… Hỗ trợ cung cấp thông tin, kiến thức, tài liệu về chuyển đổi số doanh nghiệp; quản lý thông tin, kết quả hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp, tuyên truyền các mô hình thành công điển hình, giới thiệu các kinh nghiệm thực tiễn, đăng ký hỗ trợ trực tuyến.

An Hạ

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích