Vận tải hành khách công cộng: Cần đột phá từ chất lượng dịch vụ

Tín hiệu phục hồi

Hà Nội là một đại đô thị về quy mô dân số và phương tiện cá nhân với hơn 8 triệu người, gần 7,5 triệu phương tiện giao thông. Với quy mô và mật độ như vậy, vai trò của vận tải hành khách công cộng là đặc biệt quan trọng. Đặc biệt khi giao thông công cộng đang cố gắng phục hồi sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Vận tải hành khách công cộng: Cần đột phá từ chất lượng dịch vụ
Vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Đinh Luyện

Theo ghi nhận, hiện các loại hình vận tải hành khách công cộng đã có nhiều sự cải thiện và có sức thu hút nhất định khi nhận được sự quan tâm, sử dụng của nhiều người dân. Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là ví dụ. Vào giờ cao điểm, nhiều người dân, trong đó có cả cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động… sử dụng tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông để di chuyển tới nơi học tập và làm việc. Tại các nhà ga luôn có hàng chục hành khách đứng đợi tàu. Trên những chuyến tàu đều chật kín hành khách. Khi tàu di chuyển, một số hành khách tranh thủ làm việc, chợp mắt, hay nghỉ ngơi.

Anh Nguyễn Ngọc Bảo, trú tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ chia sẻ, bản thân thường di chuyển xe máy đến bến xe Yên Nghĩa rồi đi tàu điện đến cơ quan ở Đống Đa để làm việc.

Theo anh Nguyễn Ngọc Bảo, từ ngày có tàu điện, thời gian di chuyển đi làm của anh tương đối thuận tiện. Đặc biệt, khi sử dụng tàu điện, cá nhân anh không còn phải chịu cảnh tắc đường, đầu óc được thư giãn. Hơn nữa, cũng không phải hứng chịu mưa nắng, khói bụi như khi di chuyển bằng xe máy.

Giống như tàu Cát Linh – Hà Đông, hiện các tuyến buýt của Thủ đô cũng không còn cảnh khách đi èo uột hay xe chạy “rỗng” như thời điểm mới triển khai thích ứng sau dịch. Theo chị Trương Thị Minh Huyền, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, xe buýt có nhiều lợi ích, đặc biệt là với đối tượng học sinh, sinh viên. Dễ thấy, ưu điểm đầu tiên là xe buýt giúp tiết kiệm 1 chi phí rất lớn khi giá vé liên tuyến là 100.000 đồng/tháng không kể số lượng chuyến đi; 1 tuyến là 55.000 đồng – đây là một con số cực kì ấn tượng và còn có ưu đãi, hỗ trợ cho sinh viên nếu so với sử dụng các phương tiện xe máy và ô tô.

Ngoài ra, đi xe buýt sẽ được cải thiện về sức khỏe khi người tham gia ít hít phải khói bụi ô nhiễm. Một “điểm cộng” nữa mà chị Trương Thị Minh Huyền nhận thấy đó là đi xe buýt sẽ rèn luyện thói quen đi bộ. Cụ thể, như với cá nhân chị, việc đi bộ từ 6.000 tới 10.000 bước mỗi ngày ra điểm đón buýt sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ, rèn luyện sự đúng giờ.

Theo Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2022, hệ thống xe buýt đã thu hút được 215 triệu lượt hành khách, đạt doanh thu đạt trên 400 tỷ. Sản lượng hành khách bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ đầu Quý II/2022 (Quý II/2022 tăng 124,1% so với Quý I/2022, gấp 2,2 lần; Quý III/2022 tăng 1% so với Quý II/2022).

Đánh giá sơ bộ từ Tổng Công ty vận tải Hà Nội – đơn vị chủ lực trong vận hành xe buýt Thủ đô cũng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, sản lượng km vận chuyển ước đạt khoảng 76,5%; sản lượng hành khách vé lượt ước đạt 49% so với đặt hàng, đấu thầu, tăng 62% so với thực hiện cùng kỳ. Doanh thu sau phân bổ ước đạt 43,8% so với chỉ tiêu đấu thầu – đặt hàng. Đánh giá chung, tình hình hoạt động xe buýt của Tổng Công ty vận tải Hà Nội về cơ bản ổn định, chất lượng dịch vụ được kiểm soát. Sản lượng hành khách sử dụng xe buýt có sự phục hồi so với giai đoạn trước dịch, đặc biệt là sau khi học sinh – sinh viên trở lại trường học.

Đổi mới thói quen đi lại của người dân

Có thể thấy, vận tải hành khách công cộng đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền những lợi ích thiết thực của vận tải hành khách công cộng để người dân hiểu và sử dụng; Tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Hà Nội như chính sách giảm giá vé, đi xe buýt miễn phí… Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách cũng chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng để thu hút người dân sử dụng như mở rộng vùng phục vụ của xe buýt, đầu tư thay thế dần các phương tiện sử dụng dầu Diezel sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

Dù có nhiều cố gắng song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hiện sức hút của vận tải hành khách công cộng chưa thực sự lan tỏa được đến đại bộ phận người dân. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô mới đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển vẫn còn cao, điều này khiến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên nhức nhối.

Tại tọa đàm “Giải pháp để hút khách đến với vận tải công cộng” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Dư cho rằng, muốn phát triển giao thông công cộng cần nhiều giải pháp. Đầu tiên, phải làm tốt, phủ kín mạng lưới giao thông công cộng để làm sao người dân ở tất cả mọi nơi đều có thể tiếp cận được. Bên cạnh đó, cần có một chính sách công bằng với giao thông công cộng cũng như tổ chức giao thông, chính sách quản lý giao thông hợp lý. Hay nói cách khác, những giải pháp đưa ra làm sao tạo ra lực vừa kéo, vừa đẩy, giao thông công cộng sẽ chiếm lĩnh được thị trường và chiếm được tình cảm của người dân.

Đóng góp ý kiến ở góc độ chuyên gia, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường chia sẻ, trên thế giới, lịch sử vận tải hành khách công cộng trải qua 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn đầu của vận tải hành khách công cộng chủ yếu là để phục vụ những người không có phương tiện cá nhân hoặc không có khả năng tự điều khiển phương tiện các nhân như học sinh, sinh viên, người già. Giai đoạn 2, vận tải hành khách công cộng phải có cạnh tranh với các loại phương tiện khác. Giai đoạn 3, vận tải hành khách công cộng là phương tiện yêu thích của người dân để đi lại trong đô thị, từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm.

Theo ông Vũ Hồng Trường, Hà Nội hiện nay đã qua giai đoạn 1, đang đi vào giai đoạn 2. Ở giai đoạn này vấn đề cốt lõi là làm sao để vận tải hành khách công cộng cạnh tranh với phương tiện cá nhân. Riêng với giai đoạn 3, Hà Nội muốn thực hiện được thì cần phải có thời gian, sự đầu tư và ủng hộ của người dân.

Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cũng cho biết, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hoạt động đến nay đã được gần một năm và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ về số lượng hành khách, chất lượng phục vụ cũng như văn hóa đi tàu của hành khách. Để có sức hút nhất định như vậy, ông Vũ Hồng Trường cho rằng, có nhiều bài học kinh nghiệm có thể rút ra và ứng dụng được.

Cụ thể, luôn lắng nghe, nghiên cứu nhu cầu và đặc tính đi lại của hành khách để điều chỉnh thời gian, tần suất, dịch vụ sao cho phù hợp với thực tế. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận với xe buýt và nhà ga đường sắt nhưng hạn chế tối đa ngân sách của Thành phố. Cùng đó, phải có chính sách giá vé linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng. Chẳng hạn như, hành khách đi quãng đường dài thì trả tiền nhiều, đi ngắn thì trả tiền ít, vé tháng được kích hoạt trong 30 ngày, kể từ ngày đăng ký và có vé ngày dành cho người dân đi trải nghiệm. Ngoài ra, cần khai thác tối đa tiềm năng thương mại tuyến, tập trung dịch vụ thương mại cho hành khách./.

Đinh Luyện

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích