Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam – góp phần phát triển sinh kế cho người dân vùng cao Sa Pa

Mô hình hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích

Thôn Tả Chải – xã Tả Phìn là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số người Dao và Mông. Kinh tế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào các hoạt động canh tác nông lâm nghiệp, đặc biệt là khai thác các loài thảo dược để chữa bệnh. Trước đây, bà con chỉ khai thác cây thuốc với mục đích sử dụng trong gia đình. Từ khi Sa Pa trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhiều cửa hàng thuốc, dịch vụ thuốc tắm mọc lên khắp nơi để phục vụ du khách. Chính vì vậy, nhiều loài dược liệu quý trước đây rất sẵn ở khu vực Hoàng Liên thì trong những năm gần đây đã không còn. Khi các loài cây thuốc bị thương mại hóa và khai thác tận diệt, những tri thức truyền thống về sử dụng cây cỏ thiên nhiên để chăm sóc sức khỏe từ ngàn đời của người dân địa phương cũng có nguy cơ bị thất truyền.

Bảo tồn và phát triển tại chỗ nguồn gen cây thuốc quý hiếm, góp phần bảo tồn hệ sinh thái và tạo nguồn sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.

Trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án ABS), Bộ TNMT cũng với Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã chọn khu vực xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai để thí điểm mô hình hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Dự án đã tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá nguồn gen cây thuốc, từ đó khoanh vùng để thực hiện mô hình thí điểm công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.

Để thực hiện mô hình thí điểm, 65 ha khu vực rừng tại thôn Tả Chải, xã Tả Phìn đã được giao khoán cho cộng đồng thôn Tả Chải, xã Tả Phìn bảo vệ và sử dụng. Lần đầu tiên Hợp đồng nguyên tắc được ký giữa chủ rừng và cộng đồng trong thời gian 20 năm, nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ rừng và cũng để cộng đồng an tâm thực hiện các hoạt động về bảo tồn và thu hái bền vững các lâm sản ngoài gỗ trong khu vực được giao khoán.

Cùng với đó, Dự án cũng phối hợp với UBND xã Tả Phìn, cộng đồng địa phương xây dựng Quy ước về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen tại khu vực rừng thí điểm nhằm bảo tồn và phát triển tại chỗ nguồn gen cây thuốc quý hiếm, góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên và tạo nguồn sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Dự án đã hỗ trợ cộng đồng xây dựng 01 vườn ươm các loài cây thuốc, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, bảo tồn, thu hái và sử dụng bền vững cây thuốc. Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ các hộ dân trồng các loại cây thuốc dưới tán rừng và chuyển đổi đất trồng ngô, hoa màu sang trồng cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao như: Đìa giản, Puồng đìa pua, Puồng đìa nhau, Dàng nải, Tùng dè, Phìu hỏa…

Để đảm bảo việc sử dụng bền vững nguồn gen cây thuốc, Dự án đã phối hợp với đơn vị tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp cộng đồng tại xã Tả Phìn nghiên cứu và phát triển sản phẩm xoa bóp dựa trên tri thức truyền thống về sử dụng cây thuốc giảm đau của người Dao và người Mông. Các lợi ích thu được từ việc thương mại hóa sản phẩm xoa bóp này sẽ được doanh nghiệp cam kết chia sẻ cho Bên cung cấp nguồn gen cây thuốc, người dân cộng đồng địa phương và các bên liên quan.

Một buổi tập huấn với đồng bào của dự án IDEAS.

Triển khai hiệu quả mô hình hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích đem lại nhiều cơ hội phát triển cho người dân địa phương dựa trên chính tri thức truyền thống do họ nắm giữ và nguồn tài nguyên di truyền tại địa phương. Đây chính là giải pháp giúp cho con người sống hài hòa với thiên nhiên, tạo nguồn sinh kế bền vững, góp phần cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Nâng cao thu nhập bằng sản xuất và đưa ra thị trường nông sản sạch

Mới đây, để tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ dân người dân tộc thiểu số ở huyện Sa Pa, được sự hỗ trợ của Cộng hòa Pháp, Dự án IDEAS – Nâng cao thu nhập cho người dân tộc thiểu số dựa trên Nông nghiệp bền vững giai đoạn II  đã chính thức  khởi động.

Trong giai đoạn I, dự án IDEAS đã giúp nâng cao thu nhập cho hơn 400 hộ nông dân người dân tộc thiểu số sống trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia Hoàng Liên thông qua việc xây dựng, củng cố và phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái.  Giai đoạn II của dự án (2021-2023) sẽ tiếp tục kế thừa những kết quả nền móng của giai đoạn I bao gồm việc tiếp tục cải thiện kỹ thuật canh tác sinh thái nông nghiệp đối với các mô hình truyền thông, đồng thời bổ sung 4 mô hình sản xuất vào trang trại nhằm đa dạng hóa liên tục các hệ thống sản xuất của địa phương nói chung và các hộ hưởng lợi nói riêng, tận dụng tối đa thế mạnh của vùng trong quá trình phát triển nông sản bản địa.

Đoàn công tác dự án ABS kiểm tra khu rừng cộng đồng.

Bên cạnh đó, dự án sẽ triển khai thực hiện các mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2. Đó là tiếp tục củng cố năng lực kỹ thuật và quản lý tư vấn trang trại cho cán bộ và đối tác dự án, song song với việc chuyên môn hóa các hoạt động nông nghiệp cho các hộ nông dân, đẩy mạnh nâng cao chuyên môn và nhân rộng các thực hành nông nghiệp sinh thái.

Để hoàn thiện mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững, dự án cũng sẽ thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc phổ cập tiếng Việt, phổ cập văn hóa đến với các thôn, xã còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Huy Công, điều phối viên dự án IDEAS cho biết: Chúng tôi hy vọng có thể tạo ra sự kết nối sâu rộng giữa bà con nông dân với các nhân tố về thể chế, xã hội, kinh tế, kỹ thuật tại địa phương, nhằm phát triển một hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững hơn, mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Bạn cũng có thể thích