Thể thao – “mỏ vàng” của công nghiệp văn hóa

Góc nhìn từ sự kiện thể thao quốc tế

Ngành công nghiệp văn hóa đã và đang đem lại nguồn kinh tế lớn cho nhiều thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Hà Nội không ngoại lệ. Việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một trong nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô…

Tuy chỉ là một nội dung rất nhỏ, nhưng các chương trình này sẽ là cơ hội để quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng với bạn bè năm châu.

Thể thao -
Ngành công nghiệp văn hóa sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô trong những năm sắp tới.

Về việc tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Lê thị Hoàng Yến cho biết, Thủ đô đã 2 lần đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 2003 và SEA Games 2021) tại Sân vận động Mỹ Đình. Ngoài ra còn có Đại hội Thể thao trong nhà châu Á năm 2009 (Asian Indoor Games), nhiều chương trình cũng đã được tổ chức như Giải marathon quốc tế, quy tụ hàng ngàn vận động viên của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…

Những sự kiện thể thao đã được tổ chức đều có sức ảnh hưởng rất lớn đối với đông đảo người hâm mộ, và hơn hết là đối với việc phát triển kinh tế – văn hóa, địa vị và xã hội của đất nước. Khi một sự kiện được diễn ra, tất cả các dịch vụ kèm theo sẽ được khán giả sử dụng; từ việc di chuyển, ăn uống, khách sạn… Đây cũng được coi là cơ hội “vàng” để khôi phục hoạt động cho ngành Du lịch sau dịch đại Covid-19, là “mỏ vàng trữ lượng lớn” của ngành công nghiệp văn hóa.

Chưa hết, trong sự kiện thể thao còn quy tụ rất đông người hâm mộ trên cả nước, tạo ra sức mạnh đoàn kết và tinh thần tự hào dân tộc. Tại SEA Games 31, dù là các vận động viên thể thao Việt Nam hay các vận động viên quốc tế, họ đều nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ người hâm mộ; chính điều đó đã đem lại hình ảnh tốt đẹp trong mắt các du khách thập phương.

“Một sự kiện thể thao được tổ chức thành công, hình ảnh đất nước, con người, cũng như Thành phố đăng cai sẽ được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Qua đó, góp phần tạo sự uy tín cho quốc gia, mà chỉ sự kiện thể thao mới có thể làm được. Mặc dù nước ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao ở tầm cỡ châu lục, thế nhưng phải nhìn nhận thực tế là Hà Nội vẫn còn khá thiếu thốn. Nếu chỉ tổ chức ở Thủ đô là không thể đủ, mà còn phối hợp với các tỉnh thành khác”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể Thao cho hay.

Cũng theo bà Lê Thị Hoàng Yến, để Hà Nội có thể đăng cai những sự kiện lớn hơn SEA Games, chúng ta cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng thêm nhà thi đấu, bể bơi, sân vận động đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao. Kèm theo là hoàn thiện hệ thống khách sạn, trung tâm thương mại thuận tiện, phục vụ điều kiện sinh hoạt, ăn ở, đi lại… và cả việc nâng cao thành tích của các vận động viên nước nhà.

Từ góc nhìn của UNESCO

Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Kể từ đó cho đến nay, Thành phố đã tổ chức rất nhiều hoạt động; đặc biệt, trong 6 cam kết của Hà Nội có nội dung tổ chức các lễ hội thiết kế mang tính quốc tế ở ngay địa bàn Thủ đô.

“Có thể thấy, việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một nội dung khá quan trọng trong Nghị quyết 09-NQ/TU. Các chương trình này sẽ là cơ hội tạo ra sân chơi để giao lưu, học hỏi, giới thiệu, đồng thời lĩnh hội những kinh nghiệm quý báu của các nước bạn. Từ đó, cùng hợp tác để phát triển ngành công nghiệp văn hóa”, bàTrần Thị Ngọc Hân – Cán bộ Dự án Ban Văn hóa UNESCO nói.

Cũng theo bà Trần Thị Ngọc Hân, trong toàn bộ quá trình thành phố Hà Nội xây dựng Nghị Quyết 09-NQ/TU, phía UNESCO cũng được tham vấn. Đến tháng 6/2021, UNESCO đã hỗ trợ Thành phố trong việc mời các chuyên gia quốc tế, cũng như đại sứ quán các nền văn hóa đến để chia sẻ về thử nghiệm công nghiệp văn hóa của đất nước họ. Những kinh nghiệm ấy sẽ có đóng góp cho quá trình xây dựng đề án của Nghị Quyết này.

Hiện nay, UNESCO vẫn đồng hành với thành phố Hà Nội kể từ khi dự án “Hà Nội Rethink” được triển khai từ năm 2021. Đầu năm nay, khi mà tình hình dịch Covid-19 đã ổn định, Hà Nội đã và đang liên hệ rất mật thiết với các thành phố trong Mạng lưới và dự định sẽ tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo trên địa bàn Thủ đô trong tháng 11, với sự tham gia đông đảo bạn bè của nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, với những sản phẩm bắt nguồn từ cảm hứng văn hóa di sản Hà Nội chính là những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa./.

Gần đây nhất, Thành ủy Hà Nội đã lên kế hoạch thực hiện chiến lược “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố, dự kiến con số này tăng lên 10% vào năm 2045.

Gần đây nhất, Thành ủy Hà Nội đã lên kế hoạch thực hiện chiến lược “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố, dự kiến con số này tăng lên 10% vào năm 2045.
Quang Linh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích