Sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chưa có hàm lượng công nghệ cao

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong những năm gần đây, công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Công nghiệp trở thành ngành có tỉ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước cũng như ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng chỉ ra các “điểm nghẽn” của ngành này. Thứ nhất, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu. Mặc dù được xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng trình độ đạt được của nền công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay còn thấp so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn trong sản xuất, chưa có sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao. Do đó, chưa hình thành được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong nước và đa số các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Thứ hai, công nghiệp Việt Nam phát triển mất cân đối, phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài. Cụ thể, công nghiệp nặng là ngành tạo ra nền tảng vật chất xã hội, là động lực quan trọng nhất thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh và bền vững, chiếm tỉ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế.

Công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng sản xuất trong nước phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa thấp; đồng thời dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị – kinh tế – xã hội trong và ngoài nước.

Ảnh minh hoạ

Thứ ba, phát triển công nghiệp chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế để hình thành các chuỗi giá trị công nghiệp.

Trước thực trạng này, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để làm nền tảng, cơ sở cho các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành Luật về phát triển công nghiệp để tạo nền tảng pháp lý thống nhất, vững chắc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Công Thương cũng sẽ bố trí nguồn lực phù hợp, phân bổ hợp lý các nguồn lực quốc gia từ Trung ương đến địa phương để tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên như vật liệu, cơ khí, chế biến, công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành Việt Nam có lợi thế sử dụng lao động và xuất khẩu như dệt may, da – giày, điện tử… Nâng cao vai trò, vị trí và năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp tại địa phương đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Cùng với đó, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp thông qua điều hành bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế cũng như các công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp đất nước. Tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu, xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để công nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên.

Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thúc đẩy khoa học và công nghệ, các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển cho các ngành công nghiệp…

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích