Phòng, chống dịch Covid-19: Tuyệt đối không chủ quan, lơ là

Nguy cơ “dịch chồng dịch”

Dịch Covid-19 đang tăng cao, số ca mắc chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, người có nguy cơ cao như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường,…

Trong khi đó, cúm, viêm phổi và các bệnh đường hô hấp khác đang diễn biến phức tạp trong thời điểm giao mùa, đe dọa nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Phòng, chống dịch Covid-19: Tuyệt đối không chủ quan, lơ là
Tiêm vắc xin phòng Covid-19, giải pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả.

Riêng tại Hà Nội, từ đầu tháng 4/2023 đến nay, số ca mắc Covid-19 mới và nặng phải nhập viện dù vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng cũng có chiều hướng gia tăng.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh trên người với các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay Thành phố ghi nhận 3.142 người mắc và không có tử vong.

Bệnh nhân mắc Covid-19 phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Về cấp độ dịch, toàn Thành phố hiện ở cấp độ 1- nguy cơ thấp. Các biến chủng qua giải trình tự gen cho thấy cũng tương đồng như trong cả nước và thế giới (biến chủng XBB.1.5 và XBB.1.9.1), chưa có bằng chứng về gia tăng độc lực, nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ, các triệu chứng biểu hiện đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng.Về công tác xét nghiệm, kết quả giải trình tự gen 22 mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội từ 4/4 – 12/4, ghi nhận 100% mẫu thuộc chủng Omicron.

Đối với các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, trong tuần qua ghi nhận 12 ca mắc, số ca mắc tăng so với tuần trước. Cộng dồn đến ngày 24/4, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 224 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022, bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã và 129/579 xã, phường, thị trấn. Bệnh tay chân miệng cộng dồn đến ngày 24/4 Thành phố ghi nhận 438 ca mắc, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022, ghi nhận 22 ổ dịch, hiện còn 7 ổ dịch đang hoạt động. Bệnh thủy đậu từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.300 ca mắc,…

Đáng lo ngại, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nguy hiểm cùng với nhiều bệnh truyền nhiễm khác luôn rình rập tấn công, các chuyên gia y tế nhấn mạnh đến việc ưu tiên bảo vệ các nhóm nguy cơ cao; về sự cần thiết tiêm vắc xin cho người có bệnh lý nền như: Tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn…

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá những người đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã từng nhiễm bệnh hầu hết đều có miễn dịch – do vắc xin hoặc do mắc phải. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.

Theo khuyến nghị mới, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai… bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong.

Chủ động bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố.

Đồng thời, các đơn vị cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Đặc biệt, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị cần đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, các địa phương tiếp tục rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, nhất là với các nhóm đối tượng nguy cơ cao, tiêm mũi 3, mũi 4,…

Chú trọng công tác tuyên truyền lợi ích, hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 đến với người dân. Tăng cường công tác giám sát các trường hợp nhập cảnh tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đến, đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến thể chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.

Đồng thời, các đơn vị thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác y tế trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, đảm bảo công tác phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát sau kỳ nghỉ Lễ.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng, chống dịch nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, tập trung vào thông điệp 2K của Bộ Y tế: Khẩu trang, khử khuẩn và các thông điệp liên quan để người dân chủ động phòng, chống dịch Covid-19.

Cũng theo các chuyên gia y tế, hiện ca bệnh Covid-19 đang gia tăng trở lại, nếu đồng nhiễm cùng lúc căn bệnh nguy hiểm này với các bệnh truyền nhiễm khác như viêm phổi do vi rút phế cầu, hoặc cúm… có thể gây khó khăn trong công tác điều trị, nguy cơ tử vong tăng cao.

Bởi vậy, cùng với tiêm vắc xin phòng Covid-19, theo bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, người dân nên chủ động tiêm vắc xin cúm, vắc xin phế cầu…

Điển hình, với vắc xin phòng vi khuẩn phế cầu, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết nhiều nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi được tiêm vắc xin phế cầu có nguy cơ nhiễm Covid-19 thấp hơn 35% so với người lớn không được tiêm chủng.

Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng khác với trẻ em và người lớn cho thấy, vắc xin phế cầu có khả năng bảo vệ từ 23% – 49% chống lại các vi rút hô hấp liên quan đến viêm phổi, bao gồm cả vi rút SARS-CoV-2 ở người.

“Hay các vắc xin có thành phần phòng bệnh ho gà (như bạch hầu – ho gà – uốn ván) cũng được chứng minh có khả năng tạo “miễn dịch chéo” với Covid-19 nhờ thành phần epitope giống nhau tạo ra các phản ứng chéo, phòng biến chứng nguy hiểm của Covid-19”, bác sĩ Bạch Thị Chính thông tin thêm.

Để phòng, chống Covid-19 hiệu quả, người dân nên tiêm đủ mũi vắc xin. Riêng tại Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo, hiện nay, công tác tiêm vắc xin Covid-19 không cần phải đăng ký, chỉ cần ra trạm y tế là được tiêm. Người dân nếu chưa tiêm đủ các mũi vắc xin phòng Covid-19 cơ bản (gồm mũi 1, mũi 2) thì cần phải tiêm đủ. Còn với những người đã tiêm đủ mũi cơ bản nhưng chưa được tiêm mũi bổ sung (gồm mũi 3, mũi 4) thì đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn để triển khai tiêm.

Minh Khuê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích