Phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm với nỗ lực của các địa phương

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước nhưng trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các địa phương trên địa bàn cả nước đã nỗ lực phát triển, khắc phục hạn chế khó khăn và đạt được nhiều kết quả tích cực, khả quan, tạo nên những dấu ấn, điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung.

Phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm với nỗ lực của các địa phương
Ảnh minh họa

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã rất quyết liệt trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các động lực, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công. Nhờ đó, kinh tế-xã hội của TPHCM đã có sự chuyển biến tích cực, nhất là trong quý II.

Cụ thể, trong quý II, các chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ, tổng doanh thu xuất nhập khẩu… của TPHCM đều có sự chuyển biến tích cực, giúp cho kết quả chung 6 tháng đầu năm được cải thiện. Tổng doanh thu dịch vụ tăng 7,1%…

Bên cạnh đó, Thành phố cũng tập trung rất quyết liệt để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đến nay, Thành phố đã giải quyết được trên 50% kiến nghị của doanh nghiệp nhà nước; 169/189 kiến nghị của 148 dự án bất động sản đã được tiếp nhận, có định hướng giải quyết và sẽ tập trung giải quyết trong thời gian sắp tới…

Thời gian qua, TPHCM cũng tập trung cao để thúc đẩy các dự án đầu tư công. Về giải ngân đầu tư công, tính đến 30/6, Thành phố đã giải ngân được 15.431 tỷ, đạt 23%, tuy không đạt được mục tiêu là 35% đến cuối quý II nhưng con số này đã cao gấp 9 lần so với quý I và 24 lần so cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt trong quý II, TPHCM đã khởi công xây dựng được dự án đường vành đai 3 đảm bảo tiến độ. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng; là sự chuyển động và kết quả của sự vận động của cả hệ thống chính trị.

Theo ông Phan Văn Mãi, sự nỗ lực đã giúp TPHCM tạo nên những kết quả. Địa phương đã cùng các cơ quan Trung ương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 thí điểm các cơ chế chính sách đặc thù đột phá phát triển TPHCM. Đây là cơ sở rất quan trọng để Thành phố triển khai trong thời gian sắp tới.

Trong bức tranh toàn cảnh 6 tháng đầu năm, với vị thế là Thủ đô của cả nước, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực và là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tình hình kinh tế-xã hội của Thành phố đã phục hồi rõ rệt, các cân đối lớn cũng được đảm bảo. Trong đó, GRDP 6 tháng đầu năm tăng 5,97% (cả nước tăng 3,72%), đáng chú ý khối các ngành dịch vụ tăng 7,54%. Tính chung 6 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 220,1 nghìn tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán và tăng 22,9% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 369 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%; khách du lịch đến Hà Nội tăng gấp 2,5 lần (trong đó khách quốc tế tăng gần 7 lần) so với cùng kỳ.

Thành phố cũng đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, 6 tháng đầu năm đạt tỉ lệ 33,9% (cùng kỳ năm 2022 là 23,7 %). Đặc biệt đã tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để triển khai Dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô (Thành phố đã hoàn thành trên 84% diện tích giải phóng mặt bằng).

Các vấn đề về văn hóa, thể thao cũng được Thành phố quan tâm và đạt thành tích tốt. Đoàn thể thao Hà Nội đạt thành tích ấn tượng tại SEA Games 32 với 99 huy chương, chiếm gần 1/3 số huy chương của Đoàn thể thao Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tăng trưởng vượt bậc, quý sau cao hơn quý trước

Mặc dù cũng gặp những khó khăn như tình hình chung của cả nước, nhưng nhờ sự tập trung chỉ đạo và quyết tâm trong thực hiện, kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 10,94% (đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố), các lĩnh vực đều có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022; chiều hướng tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước, tháng sau cao hơn tháng trước. Một số chỉ tiêu đạt kết quả cao như: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10,4 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư 6 tháng đạt 1,48 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 47% so với cùng kỳ, riêng thu hút đầu tư vốn FDI đạt 1,16 tỷ USD, gấp 4,5 lần cùng kỳ (đứng thứ 3 cả nước sau TP. Hà Nội và TPHCM). Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 35% so với cùng kỳ.

Trên bình diện phát triển kinh tế chung của cả nước, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Hậu Giang đứng đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua, tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, từ đó cụ thể hóa các kế hoạch, chương trình để thực hiện.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023 của Hậu Giang đã đạt được những kết quả tích cực. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm tỉnh đạt 14,21% (cao nhất cả nước), trong đó khu vực 1 tăng 4,19%; khu vực 2 tăng 34,97% và khu vực 3 tăng 7,73%. Như vậy cả 3 khu vực đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ; hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng tốt.

Ngoài ra, môi trường đầu tư của tỉnh cũng tiếp tục được cải thiện, các chỉ số năng lực cạnh tranh cũng tăng. Hậu Giang cũng đã thành lập khu công nghệ số và tổ chức tuần lễ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; các hoạt động văn hóa xã hội, nhất là chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, các đối tượng chính sách cũng được chú trọng. Các lĩnh vực giáo dục y tế được quan tâm; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu trong 6 tháng cuối năm

Với những kết quả đã đạt được, các địa phương trên cả nước đã đưa ra những kế hoạch, mục tiêu phấn đấu và tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội.

Theo đó, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn gắn với triển khai những chủ trương, cơ chế chính sách đã được Trung ương ban hành. TPHCM sẽ tập trung triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, du lịch; hỗ trợ xuất khẩu. Trong 6 tháng cuối năm, TPHCM sẽ tập trung quyết liệt triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội gắn với Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về TPHCM.

TP. Hà Nội cũng sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt được các mục tiêu đề ra, đồng thời mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 195 để hỗ trợ Thành phố hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Một số tỉnh, thành phố khác thông qua Hội nghị đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo không để tình trạng thiếu điện quay trở lại, từ đó tạo điều kiện để sản xuất phát triển công nghiệp- động lực chính cho tăng trưởng; có những giải pháp cho thị trường bất động sản…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích