Quảng Bình: Dự án ODA thi công ì ạch, chậm tiến độ

(Xây dựng) – Dự án “Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án thành phố Đồng Hới” và “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới” thi công ì ạch, chậm tiến độ làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và hiệp định tín dụng quốc tế. Chính quyền tỉnh Quảng Bình cần có động thái mạnh hơn để kiên quyết đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

quang binh du an oda thi cong i ach cham tien do
Các gói thầu cải tạo năng lực thoát nước được thực hiện với tiến độ rất chậm.

Theo Ban Quản lý dự án đơn vị quản lý: Cả hai dự án đều triển khai bằng nguồn vốn ODA, có thời gian thực hiện từ năm 2017-2022. Đến nay, tiến độ thực hiện đã trôi qua hơn 3/5 thời gian quy định, tuy vậy, công tác giải ngân các dự án khá thấp, tiến độ thi công thực tế cũng khá chậm. Chịu nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân.

Từ khi dự án triển khai trên địa bàn thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã gây ra rất nhiều bức xúc cho dân cư, đặc biệt trong các năm 2020-2021. Nhiều gói thầu thi công hệ thống thoát nước mưa, nước thải và cống cấp ba; cải tạo năng lực thoát nước; xây dựng đường giao thông; xây dựng cầu; xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu… được thực hiện với tiến độ rất chậm, thi công dang dở; không hoàn trả mặt bằng kịp thời và đạt chất lượng.

Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều cuộc họp với Ban Quản lý dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới và các sở, ngành, đơn vị để thúc đẩy tiến độ dự án. Nhưng, hiện tiến độ thực hiện các gói thầu đang còn chậm; hồ sơ thiết kế thi công, dự toán phải điều chỉnh nhiều lần để phê duyệt; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư vướng mắc kéo dài; các tác động đến khu dân cư…

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ký Công văn số 1502/UBND-TH ngày 10/8/2021, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiến độ giải ngân các dự án do Ban Quản lý dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới quản lý. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, các Sở, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện, giải ngân từng dự án cụ thể, có tính khả thi, đảm bảo tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/9/2021 đạt tối thiểu 60% và ngày 31/12/2021 đạt 100% vốn bố trí nhằm để tránh trường hợp bị Trung ương thu hồi vốn vì tiến độ giải ngân không đúng theo quy định.

quang binh du an oda thi cong i ach cham tien do
Vướng mắc giải phóng mặt bằng do người dân chưa đồng thuận tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới.

Tuy nhiên, thực tế lại chưa đạt như yêu cầu, qua báo cáo của đơn vị quản lý cho thấy: Với dự án “Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án thành phố Đồng Hới”, tính tổng chung khối lượng các gói thầu đã thi công hoàn thành trên hiện trường đạt 284,604 tỷ đồng, đạt khoảng 41,88% tổng giá trị hợp đồng và đã giải ngân được 245,804 tỷ đồng, đạt 36,17% tổng giá trị hợp đồng. Hiện, dự án này còn 3 gói thầu đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức đấu thầu nên chưa thực hiện, chưa thể giải ngân.

Đối với dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới”, tính chung tổng khối lượng các gói thầu đã thi công hoàn thành trên hiện trường mới được 24,61% và giải ngân được 164,125 tỷ đồng, tương đương 19,01% tổng giá trị hợp đồng. Hiện, dự án này cũng còn 2 gói thầu chưa thực hiện, chưa thể giải ngân.

Nguyên nhân gây chậm trễ được chỉ rõ: Do mưa lũ kéo dài vào cuối năm 2020 đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện; tác động của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng đến việc huy động nhân công, vật lực. Nhiều gói thầu phải tạm dừng thi công để điều chỉnh thiết kế, dự toán; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Ngoài ra, các gói thầu xây lắp có tỷ lệ giảm thầu tương đối lớn, từ 20%-40%; đầu năm 2021 giá vật liệu xây dựng tăng cao nên các nhà thầu cố tình kéo dài việc thi công, đợi cho giá vật liệu bình ổn, nhằm tăng khả năng lợi nhuận.

Chị Hoàng Như Ý ở đường Lê Lợi, xã Đức Ninh (thành phố Đồng Hới) chia sẻ: Dự án thi công kéo dài, chậm hoàn thành làm ảnh hưởng đến việc đi lại của dân cư. Mùa mưa đã đến gần, việc cải tạo năng lực thoát nước mưa, nước thải chậm hoàn thành sẽ ảnh hưởng tới việc chống ngập lụt tại địa phương.

Như vậy, thời gian để hoàn thành 2 dự án lĩnh vực môi trường, hạ tầng đô thị hiện còn khoảng 14 tháng. Công tác phối hợp giữa Ban Quản lý dự án, nhà thầu và các đơn vị thi công cần được nâng cao, chặt chẽ hơn. Có biện pháp kiên quyết đối với nhà thầu thực hiện chậm tiến độ, không đáp ứng năng lực thi công.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích