Phát triển lúa mì chỉnh sửa gen giúp giảm lượng hợp chất có thể gây ung thư

Sở dĩ Chính phủ Anh có thể có bước đi này là vì các nhà khoa học Anh cho hay, họ đã thành công trong việc chỉnh sửa gen lúa mì, khiến giảm được đáng kể lượng hợp chất có thể gây nguy cơ ung thư.

Tại cánh đồng lúa mì mới ở thời kỳ đầu phát triển ở hạt Hertfordshire, nước Anh, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu nông nghiệp Rothamsted đang sử dụng lúa mì để tạo ra một sản phẩm lúa mì khác bằng cách chỉnh sửa gen. Mục đích là ngăn lúa mì tạo ra một hợp chất có tên là asparagine. Khi bột mì được nướng thành bánh, asparagine chuyển hóa thành một hợp chất khác được gọi là acrylamide. Hấp thụ rất nhiều acrylamide thì có nguy cơ ung thư.

Giáo sư Nigel Halford – Viện nghiên cứu nông nghiệp Rothamsted, Anh cho biết: “Chúng tôi cố gắng giảm lượng asparagine trong hạt lúa mì để giảm lượng acrylamide sinh ra trong bánh mì khi bánh được nướng lên, kể cả trong các sản phẩm khác làm từ bột mì như sản phẩm ăn sáng, bánh quy”…

 Phát triển lúa mì chỉnh sửa gen giúp giảm lượng hợp chất có thể gây ung thư. Ảnh minh họa

Cho đến nay, các nghiên cứu cho thấy hợp chất acrylamide có liên quan đến các hậu quả tiêu cực như ung thư mới chỉ được tiến hành ở động vật. Và các nghiên cứu này cũng sử dụng lượng acrylamide lớn hơn rất nhiều, và trong khoảng thời gian dung nạp ngắn hơn rất nhiều, so với mức chúng ta hấp thụ qua việc ăn các sản phẩm bột mì nướng. Vậy nên, các nhà khoa học Anh chỉ đang nỗ lực giảm tối đa nguy cơ đối với con người.

Hiện tại, thực phẩm biến đổi gen vẫn chưa được cho phép sử dụng ở Liên minh châu Âu và Anh, nhưng do nguy cơ từ hợp chất acrylamide nên quy định này đang được xem xét điều chỉnh. Và các nhà khoa học cũng còn phải thuyết phục được cả người nông dân về sản lượng và chất lượng của loại lúa mì chỉnh sửa gen.

“Giảm được asparagine 50%, giảm được acrylamide 50% trong bột mì nướng là kết quả rất đáng mừng, tích cực, nhưng mới chỉ thử nghiệm được 1 năm. Chúng tôi còn phải xem loại lúa mì này sẽ cho sản lượng và hàm lượng protein ra sao trong mấy năm tới thì rồi mới chuyển giao cho người trồng”, Giáo sư Nigel Halford nói.

Được biết acrylamide là một hợp chất được biết đến với khả năng gây ung thư ở động vật. Đối với bánh mì nướng, bánh mì cháy càng đen thì nguy cơ ung thư sẽ càng cao, nhưng acrylamide sẽ luôn được tạo ra cho dù bánh mì có bị nướng cháy hay không. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng acrylamide có thể gây ung thư ở người và Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA) khuyến nghị hạn chế tiêu thụ hợp chất này.

Chỉnh sửa gen giúp tăng tốc một cách hiệu quả quá trình nhân giống tự nhiên, tạo ra những lợi ích nổi bật cho sức khỏe con người hoặc môi trường, chẳng hạn như cà chua chỉnh sửa gen được bán tại Nhật Bản đã được xử lý để tăng mức vitamin D. Kỹ thuật này khác với kỹ thuật biến đổi gen khi gen chèn thêm có thể có nguồn gốc từ các loại cây trồng khác.

Hiện tại, cả thực phẩm chỉnh sửa gen và biến đổi gen đều được quy định giống nhau theo luật của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, chính phủ nước này đang thúc đẩy Dự luật Công nghệ Di truyền (Chọn tạo giống Chính xác), cho phép thực phẩm chỉnh sửa gen được thương mại hoá. Dự kiến, dự luật sẽ thông qua phê duyệt của hoàng gia vào tháng tới.

Có thể sẽ mất nhiều năm để bánh mì có hàm lượng acrylamide thấp hơn được bày bán thị trường. Các công ty thực phẩm sẽ cần phát triển chủng loại lúa mì đã thử nghiệm tại Rothamsted trên quy mô lớn, các siêu thị sẽ cần dự trữ sản phẩm này và người tiêu dùng có lẽ phải sẵn sàng mua với giá cao hơn một chút nhưng đó vẫn là một tin tốt, cho thấy chỉnh sửa gen là một công cụ hiệu quả như thế nào.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích