Phân loại nước thải theo từng lĩnh vực để lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp

Phân loại nước thải theo từng lĩnh vực để lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp

Nguyễn Đức –  Thứ hai, 26/09/2022 15:55 (GMT+7)

Nước thải là loại nước sinh ra từ nhiều nguồn như quá trình sinh hoạt, các hoạt động sản xuất công nghiệp, y tế, v.v… Vì được sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau nên đặc tính của nước thải ở từng lĩnh vực cũng khác nhau.

Ngày nay, tốc độ tăng trường kinh tế ngày một cao hơn, việc sử dụng tài nguyên cũng tăng hơn, đặc biệt là nhu cầu về nước. Nhu cầu về nước ngày càng tăng, lượng nước thải sinh hoạt và lượng nước thải công nghiệp đã và đang gây ô nhiễm đáng kể nếu chưa xử lý mà thải ra môi trường. Do đó, không chỉ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học (xử lý bằng vi sinh) mà còn sử dụng các loại hóa chất khác.

Xử lý nước thải là loại bỏ các chất ô nhiễm ra khỏi nước bằng các phương pháp vật lý, hóa học, và phương pháp sinh học để đưa nước thải thành chất lỏng không độc hại với môi trường.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Để áp dụng phương pháp xử lý nước thải phù hợp, trước tiên chúng ta cần phân loại nước thải theo đặc tính.

1. Phân loại nước thải

Dựa trên nguồn xả thải và đặc điểm tính chất, thành phần, người ta chia nước thải ra thành 4 loại như sau:

1.1. Nước thải sinh hoạt

Là các loại nước thải phát sinh từ quá trình sinh hoạt của con người như:

  • Nước thải do hoạt động bài tiết của con người: Nước tiểu, phân, tiểu, máu, mồ hôi, giấy vệ sinh đã sử dụng, khăn ướt… hay còn được gọi là nước đen.
  • Nước thải từ các hoạt động rửa: Giặt giũ quần áo, lau sàn, rửa bát, rửa xe… nước thải này được gọi là nước thải xám.
  • Nước thải từ các hoạt động khác như: Nấu nướng (dầu ăn), ăn uống, thức ăn thừa, đồ uống, xăng dầu, chất tẩy rửa… Các chất này cũng gây ô nhiễm rất nặng.

1.2. Nước thải công nghiệp

Đến từ các quá trình như:

  • Quá trình chế biến: Phát sinh trong quá trình chế biến nguyên vật liệu, nước thải thường chứa nhiều chất hữu cơ, hóa chất, kim loại nặng nhất là đối với ngành công nghiệp nặng.
  • Quá trình dọn rửa, vệ sinh: Phát sinh ở các công đoạn rửa thiết bị, dụng cụ, vệ sinh sàn. Nước thải ở quá trình này thường chứa nhiều chất tẩy rửa.
  • Quá trình sinh hoạt của công nhân viên: Quá trình ăn uống, vệ sinh.

1.3. Nước thải y tế

Đây là nước thải từ các bệnh viện, cơ sở y tế, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm. Một phần nước thải giống với nước thải sinh hoạt. Phần khác chúng chứa các vi khuẩn, vi rút gây bệnh, hóa chất, máu, chất dinh dưỡng, chất hữu cơ, v.v…Nước thải y tế cũng là loại nước thải độc hại, cần được xử lý trước khi đi vào nguồn tiếp nhận.

1.4. Nước thải đô thị

Đây là loại nước thải từ cộng đồng với các dòng chảy rửa trôi từ các bãi đỗ xe, khu chợ, đường xá, bãi đỗ xe, mái nhà, vỉa hè… chúng vô cùng độc hại và có thành phần đa dạng như chứa dầu, phân động vật, chất thải thực vật, rác thải, chất độc hóa học, thuốc trừ sâu…

2. Các chất gây ô nhiễm đặc trưng trong nước thải

Các chất ô nhiễm trong nước thải được chia làm hai loại là chất gây ô nhiễm hóa học, vật lý và chất thải vi sinh

2.1. Chất gây ô nhiễm hóa học – vật lý

Bao gồm các kim loại nặng như thủy ngân, chỉ, sắt, crom, chất thải hữu cơ từ con người, động vật, thực phẩm, nguyên liệu thực vật, xác động vật; vật liệu hữu cơ hòa tan như ure, đường trái cây, protein hòa tan, dược; các chất vô cơ như kim loại, cao su, gốm sứ, các vật liệu vô cơ hòa tan như ammoniac, muối, đường, xyanua, hydro sunfua, thiocyanate thiosulfates; các chất độc như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học…

2.2. Chất thải vi sinh

Những mầm bệnh lây lan cho con người như các vi khuẩn (Salmonella, Campylobacter, Shigella, Vibrio), virus (virus viêm gan rotavirus, enterovirus), động vật nguyên sinh (Entamoeba histolytica, giardia lamblia, Cryptosporidium), ký sinh trùng (Giun sán, giun đũa, giun kim…)

2.3. Chất dinh dưỡng

Ngoài các loại thành phần trên, trong nước thải còn chứa các chất dinh dưỡng trong quá trình ăn uống, nấu nướng như protein, nito, photpho.

Ngoài những cách phân loại trên, bằng trực giác, con người có thể quan sát đặc điểm của nước thải có những biểu hiện đặc trưng sau: màu sắc, độ đục và mùi. Cụ thể là:

  • Màu sắc: Nước tinh khiết sẽ không màu, còn trong nước thải, màu được sinh ra bởi sự phân giải của chất gây ô nhiễm.
  • Độ đục: Sự xuất hiện của các chất keo làm cho nước có độ đục, nhớt. Độ đục của nước cũng yếu tố làm cản trở sự quang hợp của sinh vật vì nó cản ánh sáng mặt trời.
  • Mùi: Mùi của nước thải chủ yếu là do sự phân huỷ các hợp chất hữu cơ trong nước thải như ni tơ, photpho, mùi khai từ amoniac (NH3), mùi tanh từ các Amin Photphin (PH3), mùi thối là khí Hiđro sunphua (H2S).

Dựa vào những cách phân loại nước thải theo đặc tính, thành phần, sau khi lấy mẫu ,các chuyên gia sẽ phân tích các chỉ số và tư vấn phương pháp công nghệ xử lý nước thải phù hợp với từng loại nước thải cụ thể như công nghệ AAO, công nghệ MBBR hoặc MBR, v.v…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích