Người tiêu dùng tỉnh táo lựa chọn hàng hóa, nói không với hàng vi phạm sở hữu trí tuệ

Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả và gian lận thương mại, bước đầu thu được kết quả khả quan.

Tuy nhiên, công tác chống hàng giả vẫn diễn biến hết sức phức tạp, bởi thay vì bỏ tiền đầu tư phát triển thương hiệu, xây dựng sản phẩm chất lượng, uy tín, các đối tượng sản xuất, làm nhái sản phẩm, thương hiệu có sẵn trên thị trường đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là một trong những hình thức gian lận thương mại rất phổ biến tại Việt Nam. Ảnh minh họa. 

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Quang, trợ lý Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, để bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chủ động phối hợp các cơ quan thực thi dán tem chống hàng giả trên từng sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng làm giả luôn cả tem chống hàng giả.

Hiện, Nhà Xuất bản Giáo dục có 2 hệ thống tem chống giả. Trên nguyên lý in bằng laze, tem chống hàng giả được in sắc nét. Nếu dùng kính lúp có độ phóng đại cao, người tiêu dùng vẫn có thể nhìn rõ thông tin, hình ảnh và đường nét mô tả trong tem. Thứ hai, là dùng tem bằng kỹ thuật số, giống thẻ cào, khi cào lớp phủ bạc sẽ hiện ra một dãy số. Gõ dãy số đó lên hệ thống, khách hàng sẽ có câu trả lời sách thật hay sách giả.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là một trong những hình thức gian lận thương mại rất phổ biến tại Việt Nam. Nguyên nhân do vị trí địa lý Việt Nam khá thuận lợi, có đường biên giới dài, giáp ranh với nhiều quốc gia. Mặt khác, do bộ phận người tiêu dùng còn dễ bằng lòng với hàng hoá nên vô tình tiếp tay cho các đối tượng có cơ hội sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mặc dù đạt được kết quả ấn tượng, nhưng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của lực lượng Quản lý Thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân khách quan và chủ quan như phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp, tinh vi; cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Ngoài ra, hạn chế về nguồn lực, nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi còn nhiều hạn chế.

Thời gian tới, để công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra xử lý; doanh nghiệp phối hợp tốt với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm và chủ động tuyên truyền cho người tiêu dùng cách nhận diện phân biệt hàng thật – hàng vi phạm; còn người tiêu dùng phải tỉnh táo trong việc lựa chọn, mua và sử dụng những sản phẩm chính hãng, chất lượng cao, nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng.

Mai Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích