Nghệ An: Hướng dẫn công tác quản lý thu, chi năm học 2022-2023 tại các cơ sở giáo dục

Nghệ An: Hướng dẫn công tác quản lý thu, chi năm học 2022-2023 tại các cơ sở giáo dục

MTĐT –  Thứ bảy, 01/10/2022 09:34 (GMT+7)

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vừa có công văn hướng dẫn công tác quản lý thu, chi năm học 2022 – 2023 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Năm học 2022 – 2023, công tác thu, chi tại trường học được thực hiện gồm các khoản thu theo quy định và đóng góp tự nguyện. Cụ thể, các khoản thu theo quy định bao gồm: Học phí, giá dịch vụ trông giữ xe tại trường học và bảo hiểm y tế học sinh. Tiếp đó là khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường. Việc thu các khoản thu dịch vụ phải được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 31 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An.

Theo đó, về học phí sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 14, ngày 14/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An. Cụ thể, đối với vùng thành thị, mức học phí 3 cấp học mầm non, trung học cơ sở và trung học phổ thông là như nhau, đều 300.000 đồng/học sinh/tháng.

Trong khi đó, đối với vùng nông thôn, cấp mầm non và trung học cơ sở là 100.000 đồng/học sinh/tháng; cấp trung học phổ thông là 200.000 đồng/học sinh/tháng. Còn với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cấp mầm non và trung học cơ sở chỉ là 50.000 đồng/học sinh/tháng; cấp trung học phổ thông là 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Sở Giáo dục và Đào tạo quy định, mức thu học phí học trực tuyến (học online) đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập bằng 80% mức học phí học trực tiếp. Học sinh có hộ khẩu thường trú ở vùng nào thì đóng học phí theo vùng đó…

Về tổ chức bán trú trong các cơ sở giáo dục công lập, mức thu tối đa là 200.000/học sinh/tháng để chi trả tiền thuê khoán người nấu ăn và chi phí tổ chức bán trú các cấp học. Còn đối với các cơ sở giáo dục được hưởng chính sách theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, mức thu tối đa là 100.000/học sinh/tháng. Đơn vị tính toán chi phí hợp lý để tổ chức nấu ăn bán trú; tương xứng với quy mô trường lớp, học sinh và mặt bằng thuê khoán người lao động trên địa bàn; đồng thời cân đối phần ngân sách được hỗ trợ để đề xuất mức thu phù hợp với khả năng đóng góp của người học.

Không áp dụng thu để thuê khoán người nấu ăn đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục đã được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 quy định chế độ hỗ trợ nhân viên các trường phổ thông dân tộc bán trú và phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Về khoản thu để tổ chức thi thử cho học sinh cuối cấp, không quá 50.000/học sinh/môn học.

Việc thu được sử dụng để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hoặc dạy thêm, học thêm cấp THCS, THPT và bổ túc trung học phổ thông (BT THPT); Dạy học 2 buổi/ngày hoặc dạy thêm, học thêm cấp học THCS, THPT thực hiện thí điểm trường trọng điểm chất lượng cao; Học nghề cấp học BT THPT và thi nghề phổ thông; Tổ chức bán trú trong các cơ sở giáo dục; Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong các cơ sở giáo dục công lập vào các ngày nghỉ, ngày hè; Chương trình, hoạt động giáo dục tăng cường; Dịch vụ phục vụ học sinh.

Riêng cơ sở giáo dục công lập có tổ chức các lớp tiên tiến thực hiện theo Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 18/1/2022 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2030”.

Các khoản đóng góp tự nguyện bao gồm: Tài trợ cho các cơ sở giáo dục, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh và quỹ đoàn, quỹ đội.

Để việc quản lý thu chi ở các nhà trường thực hiện đúng quy định. Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu thu tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch. Nhà trường không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu; tuyệt đối không được giao chỉ tiêu vận động tài trợ cho từng lớp (hoặc từng giáo viên chủ nhiệm). Đặc biệt, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo (hoặc là điều kiện để đánh giá xếp loại thi đua).

Trong quá trình triển khai, sở yêu cầu các nhà trường tổ chức niêm yết công khai, phổ biến, quán triệt trong giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, các khoản thu đơn vị phải thông báo đầy đủ đến từng phụ huynh học sinh bằng văn bản hoặc niêm yết công khai tại đơn vị (ghi rõ nội dung các khoản thu, mức thu, đối tượng và mục đích sử dụng, nội dung chi).

Trong quá trình triển khai, thực hiện giãn thời gian thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản thu trong một thời điểm. Khuyến khích có chế độ miễn, giảm các khoản thu nêu trên (ngoài khoản thu học phí) cho học sinh thuộc diện gia đình chính sách hoặc có khó khăn về kinh tế.

Sở GD-ĐT Nghệ An sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu và thu sai quy định; xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm trái quy định.

An Hạ (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích