Làm người – xin giữ trọn chữ Tâm

Làm người – xin giữ trọn chữ Tâm

Hải Vân –  Thứ ba, 29/11/2022 20:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chữ tâm mang ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống. Con người có tâm lương thiện, nhân ái, từ bi sẽ tạo ra những điều tốt đẹp cho bản thân và mọi người trong xã hội.

Tổng kết thiên tuyệt bút Truyện Kiều, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã từng nhận định: 

“Thiện căn ở tại lòng ta 
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.

Thật vậy, câu Kiều đó nỉ non như tiếng lòng dân tộc, như tiếng ru ầu ơ của mẹ, của bà giữa cuộc sống đời thường. Ở đó, những bài học làm người đều được bà, được mẹ truyền dạy cho con từ thủa trong nôi. Và chữ Tâm cũng là một bài học sơ khai như thế! Đặt trong tuyệt phẩm Truyền Kiều của dân tộc, nó như một đẳng thức cân bằng giữa một bên chữ Tâm và một bên bằng mấy chữ tài. Nói như vậy để thấy rõ vai trò của chữ Tâm đối với nhân cách con người thật đáng quý. 

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

“Sống trong đời sống, cần một tấm lòng” 

Hiểu một cách đơn giản nhất, chữ tâm có nghĩa là tấm lòng, là lương lương tâm, đạo đức. Mọi hành động của con người đều xuất phát từ cái tâm. Vì vậy, tâm thiện thì suy nghĩ và hành động đúng với đạo lý, tốt cho bản thân và mọi người, tâm không thiện dẫn tới nảy sinh tà ý, làm nhiều việc xấu xa, tội lỗi, suy nghĩ lệch lạc.

Chữ tâm mang ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống. Con người có tâm lương thiện, nhân ái, từ bi sẽ tạo ra những điều tốt đẹp cho bản thân và mọi người trong xã hội. Ngược lại, nếu không có lương tâm con người sẽ làm những việc bất chấp luân thường đạo lý, gây ra những đau khổ tội lỗi cho mình và mọi người. Vì vậy, mỗi người cần điều chỉnh cho cái  tâm của mình trở nên tốt đẹp. 

Chữ Tâm luôn gắn liền với chữ Đức

Người có tâm tốt sẽ tích được nhiều công đức về sau. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Trong nhân cách con người, tài và đức luôn phải gắn liền với nhau. Một người dù có tài giỏi đến mấy nhưng không có đạo đức thì chỉ cũng không mang lại tác dụng gì vì những cái tài đó không đem lại lợi ích cho mọi người.

Còn nhớ nhân vật Tào Tháo vô cùng nổi tiếng trong tác phẩm kinh điển “Tam quốc diễn nghĩa” của Trung Quốc. Dù là một con người có tài đến mấy nhưng vì mưu mô quỉ quyệt mà Tào Tháo chỉ được coi là một “gian hùng”.

Ngược lại, cũng có những người lấy “đức năng thắng số. Trong cuộc sống, khi gặp những điều không may hoặc tai ương, cực khổ, chúng ta thường nghe những lời khuyên như “đức năng thắng số”, hoặc “tu thân tích đức” thì sẽ qua khỏi. Điều đó có thể hiểu là phúc đức thắng số mệnh. “Đức năng” ở đây chính là sự đức độ và tình yêu thương giữa con người với con người. Khi đã đạt đến chữ đức vẹn tròn, con người sẽ gặp được những điều tốt đẹp, bình an.

Chuyện xưa kể về một nhân vật có tên gọi là Mạnh Thường Quân ở nước Tề đi tìm mua chữ Đức. Ông là một trong bốn công tử lớn thời Chiến Quốc, trong nhà luôn có hàng ngàn thực khách. Gia tài của Mạnh Thường Quân vô cùng giàu có chẳng thiếu thứ gì, thứ duy nhất ông thiếu chính là lòng nhân ái.

Nhờ được Phùng Huyên (một kẻ sĩ nhận giúp việc đòi nợ cho Mạnh Thường Quân) mách nước, tất cả các con nợ của MTQ được bày rượu thịt khoản đãi, rồi được đốt văn tự xoá toàn bộ nợ cho dân khiến họ cảm kích vô cùng. Mấy năm sau, Mạnh Thường Quân bị cách chức phải quay về nơi ngày xưa sinh sống, dân chúng nghe tin ông sắp về liền dìu già dắt trẻ đi hàng trăm dặm nghênh đón như vị ân nhân lớn.

Mạnh Thường Quân lúc đó mới thấm thía hết giá trị của lòng tốt. Chữ Đức mà kẻ sỹ kia đã giúp ông “mua” được thật ý nghĩa khi MTQ lỡ vận, sa cơ. Cuộc sống dân gian thời đại nào cũng lưu truyền biết bao câu chuyện đẹp về lòng tốt, về giá trị của chữ Tâm, chữ Đức với cuộc sống mỗi người. 

Khi chữ Tâm bị lãng quên trong cuộc sống

Chữ Tâm nhân văn là thế mà trong cuộc sống thường ngày không ít người đã tự ý “đánh rơi”. Những câu chuyện vô nhân tính trong kinh doanh hay bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xuất hiện ngày càng nhiều.

tm-img-alt
Chuyên gia Bộ Y tế trực tiếp khám cho trẻ bị ngộ độc ở Nha Trang

Mới đây, dân tình chưa hết phẫn nộ, bàng hoàng trước vụ việc hơn 600 học sinh trường Ischool Nha Trang ngộ độc sau bữa ăn bán trú có món cánh gà rán nhiễm độc, thì lại tiếp tục thông tin gần 20 em học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (phường 7, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) có biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn bữa ăn nhẹ tại trường có uống sữa.

Dù nguyên nhân ban đầu chưa có kết luận chính thức nhưng theo giáo viên nhà trường, có phát hiện một số hộp sữa của một Công ty có mùi và kết tủa. Đạo đức người kinh doanh khi chữ tâm bị quên lãng gây ra những hậu quả hết sức đau lòng.

Qua một vài vụ việc cho thấy, trong lĩnh vực kinh doanh nếu người chủ kinh doanh không có tâm sẽ dùng mọi thủ đoạn thấp kém, không tôn trọng pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Khi người kinh doanh không đặt cái tâm vào công việc, họ sẽ vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, làm tổn hại sức khỏe người khác. Không chỉ riêng lĩnh vực kinh doanh, mỗi ngày chúng ta lại được nghe hàng trăm, hàng ngàn thông tin vụ việc đáng buồn xảy ra trong xã hội khi cái tâm của con người không được đặt vào công việc họ đang làm.

Lương tâm bị bán rẻ cho lợi ích trước mắt, nhiều hành vi táng tận như một tiếng chuông reo cảnh tỉnh con người đừng đánh mất chữ tâm. Khi đạo đức con người bị quên lãng, người ta trở nên vô cảm, ác độc và không giống một con người.

Có “tâm” ắt sẽ có “tầm”

Sự chân thật chính là đạo đức, là gốc rễ của nhân cách một con người. Trong kinh doanh, không gian lận, không chiêu trò sẽ giữ gìn hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp.

Công việc kinh doanh gắn liền với cuộc sống hàng ngày vì vậy người kinh doanh gieo nhân tốt, tự tạo phước lành cho mình xây dựng thương hiệu bằng các giá trị sản phẩm tốt, đem lại chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Chính chất lượng sản phẩm giữ khách hàng trung thành, bền lâu còn sản phẩm kém chất lượng sẽ dẫn doanh nghiệp phá sản. Trong cuộc sống, người có đạo đức, lương tâm luôn được mọi người tin tưởng và coi trọng.

Có đạo đức, con người mới có thể làm những điều tốt đẹp cho mọi người, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của bản thân. Tâm đức đó mang lại cho họ những thành công trong cuộc sống.

Ông bà ta có câu: “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, “Có đức mặc sức mà ăn”, “Có phúc khác có phần” hay “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà” cũng là muốn nhắn nhủ con người cần đề cao chữ Tâm, chữ Đức, đề cao phẩm giá con người.

Sự phát triển bền vững chỉ thực sự đến với những con người có lương tâm, trách nhiệm. Sống ở trên đời, xin đừng đánh mất chữ “Tâm”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích