Kinh doanh ảm đạm trên ‘tuyến đường tỷ USD’ ở Đà Nẵng

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc kinh doanh dọc các tuyến đường lớn ven biển ở Đà Nẵng đang ảm đạm, vắng khách.

Với hàng chục dự án biệt thự, resort, khách sạn… ở 2 bên, các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp được ví như “con đường tỷ USD” ở Đà Nẵng. Sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách, việc kinh doanh ở khu vực này vẫn ảm đạm, vắng vẻ.

Ông Dũng (sống tại Hà Nội) đã đầu tư mở nhà hàng ở Đà Nẵng từ nhiều năm nay. Khi các chuyến bay mở lại, ông lập tức vào Đà Nẵng chuẩn bị mở lại nhà hàng. Tuy vậy, ông đánh giá du khách chưa có nhiều nên mở cửa nhà hàng lúc này thu sẽ không đủ bù đắp chi phí thuê nhân viên, tiền điện, nước…

“Mở cửa nhà hàng ít nhất phải bỏ ra chi phí 15 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, qua quan sát ở những quán xá bên cạnh thì lượng khách chỉ lèo tèo vài nhóm nên tôi phải chờ thêm thời gian xem sao”, ông Dũng chia sẻ.

Nhà hàng, cửa tiệm ế ẩm

Sau nhiều ngày quan sát, ông Dũng đưa ra nhận định khoảng 20% nhà hàng, cửa tiệm ở đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa mở cửa kinh doanh. Tuy nhiên, lượng khách đến các nhà hàng cũng chỉ đạt 15-20% công suất vào những ngày cuối tuần.

Thực trạng chung là các nhà hàng hầu như không có khách vào thứ hai đến thứ năm trong tuần. “Chính quyền Đà Nẵng cho hoạt động 50% công suất nhưng không có nguồn khách. Quan sát thấy còn ế ẩm quá nên tôi chưa thể mở bán vào lúc này”, ông Dũng giải thích về việc chưa mở cửa nhà hàng.

Anh Ân, quản lý một nhà hàng hải sản ở đường Hoàng Sa cho biết từ thứ hai đến thứ sáu, các nhà hàng đều vắng tanh. “Khoảng 2 ngày cuối tuần, nhà hàng có khoảng 5 bàn khách, nhưng đa phần là người quen đến ủng hộ”, anh nói.

kinh doanh am dam tren tuyen duong ty usd o da nang
Một nhà hàng trên đường Võ Nguyên Giáp vẫn đóng cửa. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Theo quan sát của Zing, dọc tuyến đường ven biển ở Đà Nẵng, hàng chục nhà hàng, cửa tiệm vẫn ‘cửa đóng then cài”. Bà Thanh, chủ một cửa hàng kinh hoanh trầm hương nói khi dịch chưa bùng phát, mỗi ngày bà đón gần trăm đoàn khách Hàn Quốc, Trung Quốc đến tham quan, mua sắm.

Từ giữa năm 2020, bà Thanh phải đóng cửa tiệm để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của nhà chức trách. “Vừa qua, dịch bệnh được kiểm soát nên chính quyền cho hoạt động trở lại nhưng khách du lịch chưa có nên cửa tiệm ế ẩm. Tôi mở bán để giữ mối khách quen chứ thực ra kinh doanh lúc này, thu không đủ chi”, bà Thanh nói.

Những chủ kinh doanh như ông Dũng, bà Thanh còn may mắn hơn vì mặt bằng là của mình. Còn trường hợp như chị Nguyễn Bích Thùy (ngụ quận Hải Châu) còn bi đát hơn.

Theo lời người này, 3 năm trước việc kinh doanh phát đạt nên chị thuê mặt hàng ở đường Võ Nguyên Giáp với giá 70 triệu/tháng để kinh doanh nhà hàng.

“Từ giữa năm ngoái đến nay, nhà hàng đã trãi qua 4 lần đóng cửa. Chủ sở hữu giảm giá 50% tiền mặt bằng nhưng tôi bán không đủ tiền trả lương cho nhân viên, chi phí điện, nước. Tôi đang thương lượng xin miễn tiền thuê mặt bằng, nếu không được thì chấp nhận dừng kinh doanh chứ không còn cách khác”, chị Thùy than.

Việc kinh doanh ế ẩm khiến nhiều chủ quán, nhà hàng đang rao bán, sang nhượng cửa hàng vì không thể tiếp tục bù lỗ.

“Hai hôm qua Đà Nẵng lại xuất hiện hàng chục ca mắc Covid-19 nên mọi người có tâm lý lo lắng. Mở quán mà không có khách thì họ trả lại mặt bằng thôi”, ông Nam (chủ sở hữu lô đất hơn 200 m2 mặt tiền đường Hoàng Sa, Đà Nẵng) nói.

Người đàn ông này cho biết khi chưa có dịch, mỗi tháng ông thu về hàng trăm triệu đồng tiền cho thuê mặt bằng lô đất trên. “Từ năm ngoái đến nay, dịch bùng phát nên họ kinh doanh không được, tôi liên tục giảm giá cho thuê nhưng người kinh doanh vẫn không trụ được”, ông Nam nói tiếp.

Khách sạn vẫn đóng cửa, resort hoạt động cầm chừng

Tọa lạc ở vị trí “vàng” trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Furama Resort được biết đến là điểm đến hấp dẫn, nơi nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao của du khách trong và ngoài nước.

Khi chưa có dịch, khu nghỉ dưỡng này tạo việc làm cho hơn 800 quản lý, người lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên khách sạn này mới hoạt động khoảng 30% công suất buồng phòng.

Do đó, Furama Resort mới triệu tập hơn 200 quản lý, nhân viên làm việc ở vị trí chủ chốt đến làm việc. Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng gám đốc Furama Resort thừa nhận tình trạng thiếu vắng nguồn khách sẽ còn kéo dài đến hết năm.

Quan sát tuyến đường ven biển, nhiều khách sạn vẫn còn cửa đóng then cài. Nhiều quản lý khách sạn nói do chưa có khách nên họ chỉ để lại vài nhân viên bảo vệ.

kinh doanh am dam tren tuyen duong ty usd o da nang
Nhiều khách sạn ở “tuyến đường tỷ đô” vẫn chưa mở cửa đón khách. Ảnh: Đoàn Nguyên.

“Dịch đang còn diễn biến phức tạp nên chưa có khách, mở của hoạt động tiền thu không đủ chi phí”, chủ một khách sạn ở đường Hoàng Sa nói.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết địa phương đã đón khách nội địa đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, lượng khách còn ít, chủ yếu đi lẻ, theo nhóm hoặc gia đình…

“Các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ còn dè dặt trong việc mở cửa trở lại do điều kiện thời tiết mưa bão, tâm lý khách chưa sẵn sàng để đi du lịch. Do đó, việc mở cửa vận hành trở lại còn khó khăn”, ông Bình thừa nhận.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích