Hà Nội: Môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư tiếp tục được cải thiện
(Xây dựng) – Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, Thành phố Hà Nội thu hút khoảng 953,2 triệu USD vốn FDI, tăng 500% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 46 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 903,9 triệu USD; 31 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 21,57 triệu USD và 33 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 27,77 triệu USD.
Ngày 28/3, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Họp báo thông tin về tình hình kinh tế – xã hội quý I/2024 và nhiệm vụ trọng tâm các tháng tiếp theo. |
Thu ngân sách Nhà nước tăng gần 4%
Theo báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội, quý I/2024, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố tăng khá so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối chi ngân sách. Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện 3 tháng đầu năm là 146.877 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Chi ngân sách là 31.595 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán.
GRDP quý I/2024 tăng 5,5%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (GRDP Quý I/2023 tăng 5,81%), các ngành duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng ngành dịch vụ quý I/2024 thấp hơn cùng kỳ.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước đạt 1.254 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 6,2%). Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.936 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023 (quý I/2023 giảm 4,6%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,2%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 2.754 triệu USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 17,6%). Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 8.636 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023 (quý I/2023 giảm 12%).
Trong tháng 3/2024, Thành phố Hà Nội thu hút 53,88 triệu USD vốn FDI, trong đó: 20 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 33,41 triệu USD; 14 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 12,49 triệu USD và 12 lượt góp vốn với số vốn góp đạt 7,98 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 20/03/2024), Thành phố thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI (tăng 500% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó: có 46 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 903,9 triệu USD; 31 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 21,57 triệu USD và 33 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 27,77 triệu USD.
Cũng trong tháng này, có 2.925 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 24.364 tỷ đồng (giảm 11% về số lượng doanh nghiệp và giảm 22% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 3 tháng đầu năm, có 6.944 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 66.157 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, địa phương đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 Quy hoạch lớn để tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới đó là: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Hiện nay, hệ thống mạng lưới cấp nước khu vực đô thị đã được phủ kín với tỷ lệ cấp nước đạt 100% và chỉ tiêu cấp nước khoảng 100 – 150lit/người/ngày. Đến hết tháng 3/2024, tại khu vực nông thôn tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung đạt khoảng 90%, trong đó tỷ lệ đấu nối cấp nước đạt 67%, tổng số xã được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung 289/413.
Thành phố vận hành hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động, tỷ lệ đạt 30,9%; thực hiện công tác đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải: Yên Xá và chuẩn bị đầu tư dự án các nhà máy xử lý nước thải: Kiến Hưng, Sơn Tây, Tây sông Nhuệ… Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin…
Tổ chức 12 cuộc họp hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Ông Nguyễn Công Anh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội. |
Thông tin về tình hình xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố ban hành trong quý I/2024, ông Nguyễn Công Anh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết: Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); để thực hiện việc nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Thủ đô sửa đổi, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho lãnh đạo UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành Thành phố thực hiện viêc rà soát, tiếp thu, giải trình, đề xuất việc chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và hoàn thiện các hồ sơ theo quy định trên cơ sở các ý kiến thẩm tra của Ủy ban pháp luật, ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Trong thời gian từ ngày 18/12/2023 đến ngày 27/12/2023, UBND Thành phố đã tổ chức 12 cuộc họp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) (sau đây gọi là Dự thảo) với sự tham gia của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và một số Bộ, ngành Trung ương, các Sở, ban, ngành.
Trên cơ sở kết quả các cuộc họp, báo cáo đề xuất của các Sở, Ban, ngành, UBND Thành phố đã giao Thường trực Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô tổ chức họp với các bộ phận chuyên môn của Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, các chuyên gia Luật Thủ đô tổ chức tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
UBND Thành phố Hà Nội đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự thảo Luật (sau điều chỉnh) để báo cáo xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và gửi Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp. Qua những lần xin ý kiến, cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung của dự thảo, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Trong thời gian từ đầu năm 2024 đến nay, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và UBND Thành phố nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo đề xuất của Thành phố. Lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với Thường trực Thành ủy để chỉ đạo, định hướng việc tiếp thu Luật Thủ đô.
Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội và hơn 130 ý kiến của Đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6, UBND Thành phố đã nghiên cứu, giải trình đầy đủ, dự kiến tiếp thu đối với nhiều ý kiến, trong đó nổi bật là việc tiếp thu, chỉnh lý bổ sung các quy định về: Nguyên tắc áp dụng pháp luật; quy định về tổ chức, bộ máy của HĐND Thành phố, các quận, thị xã, thành phố thuộc Thủ đô; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, cấp huyện; bổ sung nhiều nội dung phân quyền cho Thành phố trong chủ động về tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, về biên chế; mở rộng các nội dung về phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền; các quy định về văn hóa, y tế, quy hoạch, xây dựng, đầu tư, tài chính – ngân sách; cơ chế liên kết, phát triển vùng Thủ đô. Đặc biệt đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển theo định hướng giao thông công cộng; các quy định về thử nghiệm có kiểm soát, thí điểm các mô hình mới. Đồng thời nghiên cứu, chỉnh lý về bố cục, sắp xếp lại các chương, điều, khoản, điểm trong dự thảo Luật.
Nguồn: Báo xây dựng