Hà Nội: 4 huyện đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Hà Nội: 4 huyện đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Bình An –  Thứ sáu, 03/02/2023 10:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tính đến tháng 2/2023, Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, 4 huyện đủ điều kiện về đích huyện nông thôn mới nâng cao.

Thông tin từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết, tính đến tháng 2/2023, 15/18 huyện, thị xã trên địa bàn TP đã đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể là các huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.

Đối với huyện Ứng Hòa, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức Đoàn thẩm tra huyện Ứng Hòa đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Các sở, ngành đã có báo cáo thẩm tra đối với huyện Ứng Hòa đủ điều kiện báo cáo UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đang tiến hành lấy ý kiến sự hài lòng của nhân dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Ứng Hòa theo quy định tại Hướng dẫn số 90/HD-MTTW-BTT ngày 20/9/2022 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương.

tm-img-alt
Đường giao thông nông thôn tại xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Tại huyện Ba Vì, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức Đoàn thẩm tra huyện Ba Vì đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội đã tham mưu Sở NN&PTNT đề nghị các sở, ngành có báo cáo thẩm tra đối với huyện Ba Vì và đề nghị MTTQ tiến hành lấy ý kiến của người dân đề nghị công nhận huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 theo quy định.

Địa phương cuối cùng là huyện Mỹ Đức, hiện đã cơ bản đủ điều kiện theo quy định, hiện nay huyện Mỹ Đức đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ để trình UBND TP Hà Nội theo quy định.

Phó Chánh Văn phòng thường trực, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Qua kết quả thẩm định xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022, có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Cũng theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, toàn TP hiện đã có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở đề nghị của các huyện, thị xã đến nay Văn phòng đã tổ chức Đoàn thẩm định được 40 xã đủ điều kiện trình Hội đồng TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Đến nay, Đoàn thẩm định nông thôn mới TP đã tiến hành thẩm định 12 xã đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Kết quả 12 xã đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới TP xem xét, trình Chủ tịch UBND TP Hà Nội công nhận.

Còn 3 xã của các huyện: Đan Phượng, Thường Tín, Thạch Thất đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, Đoàn thẩm định nông thôn mới TP sẽ tiến hành thẩm định trong quý I năm 2023. Dự kiến, sẽ có tổng số có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022, đạt chỉ tiêu TP giao.

tm-img-alt
Một mô hình trồng lan công nghệ cao tại Hà Nội.

Năm 2023, thành phố tiếp tục đặt mục tiêu có thêm 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, năm 2023, huyện tập trung chỉ đạo các xã duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu 4 xã còn lại là: Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, Đan Phượng sẽ có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Đan Phượng đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, năm 2023, Đông Anh tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị. Huyện sẽ mở các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm nông thôn mới từ huyện đến xã, thôn… Đông Anh phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nền tảng để xây dựng nông thôn mới là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Trong đó, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đến nay Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Những mô hình công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường, điển hình như: Mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng); Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); Nhà máy sản xuất nấm Kim châm công nghệ Nhật bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức); Công ty CP Giống gia súc Hà Nội.

Nhờ đó, trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn 3 huyện gồm: Ứng Hòa đã được Đoàn thẩm tra TP thẩm định, hiện đang hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu để làm cơ sở báo cáo UBND TP theo quy định. Huyện Ba Vì, huyện Mỹ Đức đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí, phấn đâu hoàn thành huyện NTM trong năm 2022; hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định quý I/2023.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá: Nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp đã và đang dẫn đầu cả nước như chương trình OCOP, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu… Bên cạnh đó, sự chuyển dịch, ứng dụng công nghệ cao đã giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng đạt mục tiêu, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế Thủ đô. Hà Nội cần có hướng đi riêng, phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô. Ngành nông nghiệp cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, tập trung phát triển các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thị; hình thành các kênh phân phối; phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội – Chu Phú Mỹ cho biết, Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngành Nông nghiệp Thủ đô xây dựng và mở rộng các chuỗi liên kết, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp…; đồng thời, đề nghị UBND thành phố sớm bố trí kinh phí cho các huyện xây dựng nông thôn mới, các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 để triển khai sớm các nội dung.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích