Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long”

(Xây dựng) – Chiều ngày 10/6 tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long”; Báo Xây dựng là đơn vị thực hiện.

Diễn đàn nhằm đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá toàn cảnh về hạ tầng, phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế vùng và kết nối giữa khu vực với các tỉnh phía Nam. Thông qua Diễn đàn này, sẽ góp phần đóng góp vào những chính sách điều hành của Chính phủ, Bộ, Ban, ngành; nhằm hoàn thiện xây dựng hệ thống hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, quy hoạch phát triển đô thị. Tạo động lực phát triển kinh tế bứt phá cho Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn mới.

Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long”

Tham dự Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long”; Về phía Bộ, Ban, ngành trung ương có: Ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên thường trực, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội; ông Phạm Hoàng Mai – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Về phía Bộ Xây dựng có: Ông Nguyễn Tường Văn – Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Tạ Quang Vinh – Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật; PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường; Về phía UBND Thành phố Cần Thơ có: Ông Trần Việt Trường – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ; Về phía Báo Xây dựng – Đơn vị thực hiện Diễn đàn có: Ông Nguyễn Anh Dũng – Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Xây dựng, Bí thư Chi bộ – Tổng biên tập Báo Xây dựng.

Diễn đàn cũng có sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: UBND tỉnh Bạc Liêu; UBND tỉnh Long An; UBND tỉnh Hậu Giang; UBND tỉnh Bến Tre; đại diện các Sở, Ban, ngành các tỉnh, thành phố; Đại diện các Hiệp hội và các Hội nghề nghiệp; các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản tại khu vực; Đại diện các ngân hàng; các chuyên gia trong nước và quốc tế…Diễn đàn với sự đóng góp tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương sẽ cùng phân tích các góc nhìn về thách thức, bất cập trong hạ tầng và sự phát triển kinh tế Vùng; đồng thời, tổng hợp các giải pháp để thúc đẩy phát triển hạ tầng, cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, minh bạch về pháp lý dự án…tạo động lực phát triển kinh tế bứt phá cho Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn mới.

Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long”
Toàn cảnh Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long”

Ngày 18/06/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có vị thế hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Chính vì vậy, mục tiêu đến năm 2030 của khu vực này là mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2030 phải đạt khoảng 6,5 – 7% năm. Đây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới để khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững toàn vùng và của các địa phương trong thời gian tới.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng 16 đề xuất dự án với tổng mức đầu tư 94.328 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng 28.046 tỷ đồng, vốn vay nước ngoài 2,817 tỷ USD tương đương 66.282 tỷ đồng. Hầu hết các dự án này là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu (Mekong DPO).

Số liệu nghiên cứu cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long luôn có tỷ lệ đô thị hóa cao của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước 1,3 đến 1,5 lần. Cùng với đó, hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng liên tục được đầu tư mạnh mẽ. Sở hữu tiềm năng du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, bất động sản, logicstic, công nghiệp…nếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, thì khu vực sẽ có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, gắn kết với liên kết vùng miền.

Chính phủ đang có những chiến lược đánh thức tiềm năng khu vực này bằng việc đầu tư hạ tầng, phát triển cầu, đường cao tốc nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Thành phố Cần Thơ và kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cấp các đô thị hiện hữu…Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 110/QĐ-BXD về kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/06/2022 của Chính phủ; Nghị quyết số 13 – NQ/TW ngày 02/04/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với những giải pháp quan trọng nhằm: Tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Hoàn thiện và tổ chức thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lồng ghép các nội dung quy hoạch của vùng vào Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia. Lập Đồ án xây dựng các nhà máy nước quy mô vùng phù hợp với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp tục cập nhật…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích