Đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị
(Xây dựng) – Ngày 23/6, tại Hà Nam, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết: Thời gian qua, để thể chế hóa các định hướng lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành đã tham mưu ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách có liên quan đến công tác quản lý, phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước qua từng giai đoạn, thời kỳ.
Hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết tháng 5/2023, hệ thống đô thị toàn quốc có 898 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 đạt khoảng 41,7%. Khu vực đô thị đã chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng GDP quốc gia. Nhiều đô thị mới được hình thành và phát triển. Các đô thị hiện hữu cũng từng bước được nâng cấp, cải tạo, mở rộng cả về quy mô đất đai, hạ tầng kỹ thuật.
Bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được nâng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu và những tiến bộ khoa học kỹ thuật… có được từ các đô thị có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng và cả nước.
Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái phát biểu tại Hội thảo. |
Đạt được các kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các quy định pháp luật điều chỉnh về quản lý, phát triển đô thị đang được quy định tại nhiều văn bản như: Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 (Chương quy định về Tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch); Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi bổ sung năm 2020 và Luật Đầu tư (có các quy định về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị); Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý phát triển đô thị và nhóm các Nghị định về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị cùng các văn bản có liên quan khác.
Thông qua việc triển khai áp dụng các quy định pháp luật này, công tác quản lý phát triển đô thị trên cả nước đã đạt được những kết quả đáng kể.
Với mục đích thống nhất quy định pháp luật về quản lý phát triển đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát triển đô thị theo hướng bền vững; đồng thời khắc phục các tồn tại trong triển khai thực hiện quy định pháp luật, việc đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị là cần thiết, làm cơ sở đề xuất các chính sách khi lập đề nghị xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến phân tích, làm rõ việc thi hành, thực hiện các quy định pháp luật có liên quan trong quản lý và phát triển đô thị nhận diện; làm sâu sắc thêm các tồn tại, vướng mắc trong quản lý và phát triển đô thị thời gian qua; thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách về quản lý và phát triển đô thị, làm cơ sở định hướng sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng tại Hội thảo. |
Thay mặt UBND tỉnh Hà Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng cho rằng: Hội thảo tổ chức tại tỉnh Hà Nam lần này không chỉ là cơ hội cho tỉnh Hà Nam mà các địa phương khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc Trung bộ chia sẻ thực tiễn và các khó khăn vướng mắc trong quản lý phát triển đô thị, qua đó đề xuất với Bộ Xây dựng các chính sách phù hợp để thúc đẩy quá trình đô thị hóa và nâng cao chất lượng đô thị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững…
Trưởng nhóm đô thị và hạ tầng (Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức – GIZ), ông Patric Rolf Schlager, cho biết: Trong những năm qua, cùng với tiến trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, đô thị Việt Nam ngày càng khang trang hơn, kiến trúc cảnh quan đô thị đẹp hơn, hạ tầng kỹ thuật, môi trường ngày càng được cải thiện. Chất lượng và điều kiện sống của người dân được nâng cao.
Để tăng cường quản lý và phát triển đô thị, Chính phủ Việt Nam đã và đang hoàn thiện khung pháp lý hướng dẫn và kiểm soát sự phát triển đô thị, quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, bất động sản…
Tuy nhiên hệ thống pháp luật hiện nay vẫn cần tiếp tục thống nhất thêm về nội dung, cần thiết phải xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị, tạo điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước.
Ông Patric Rolf Schlager – Trưởng nhóm đô thị và hạ tầng (Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu Vùng ĐBSCL, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức – GIZ). |
Tổ chức GIZ đã và đang hợp tác với Bộ Xây dựng và nhiều tỉnh, thành phố, có cơ hội đồng hành với các đối tác góp phần đem lại những thay đổi tích cực trong quá trình phát triển hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn…
Trong thời gian tới, GIZ sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng Luật điều chỉnh quản lý và phát triển đô thị; hỗ trợ nghiên cứu soạn thảo các bộ luật khác có liên quan.
Tóm tắt kết quả nghiên cứu xây dựng dự án Luật, đại diện Cục Phát triển đô thị cho biết, về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nhìn chung, chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện, có hệ thống về lĩnh vực phát triển đô thị. Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan mới chỉ điều chỉnh một cách riêng lẻ các nội dung liên quan đến hoạt động phát triển đô thị.
Trong công tác phân loại đô thị và phát triển đô thị theo chương trình, kế hoạch, tính đến hết tháng 5/2023, hệ thống đô thị toàn quốc có 898 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt khoảng 41,7%. Hệ thống đô thị cả nước đã từng bước được hoàn thiện và nâng cao chất lượng.
Về chương trình phát triển đô thị, sau khi các tỉnh triển khai lập Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, với sự nghiên cứu, đánh giá tình hình phát triển của mỗi đô thị so với các chỉ tiêu phân loại đô thị, các tỉnh lập được kế hoạch phân loại đô thị cụ thể theo từng giai đoạn.
Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh (43/63 tỉnh đã lập và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh) hoặc rà soát, điều chỉnh các kế hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn đã được phê duyệt của địa phương…
Về đề nghị xây dựng Luật, Cục Phát triển đô thị đề xuất một số nội dung như tên dự án Luật; Sự cần thiết phải xây dựng Luật; Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Định hướng các quy định trong dự thảo Luật.
Trong đó, nội dung các quy định sẽ điều chỉnh các nhóm vấn đề cơ bản là Các quy định quản lý phát triển hệ thống đô thị; Các quy định quản lý phát triển khu vực hình thành mới trong đô thị; Các quy định quản lý phát triển hạ tầng đô thị và không gian ngầm đô thị; Các quy định quản lý cải tạo, chỉnh trang đô thị và tái phát triển đô thị; Các quy định về quản lý Nhà nước về phát triển đô thị.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương đã cùng trao đổi thực trạng tình hình, khó khăn vướng mắc và đề xuất nội dung trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị. Đồng thời đóng góp một số ý kiến như trong Luật cần có nội dung tạo sự đồng bộ giữa hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội, tạo dựng cho các địa phương trong quá trình thực thi; có thêm đánh giá bất cập của hệ thống chính sách, tăng thêm trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước; cần có khái niệm rõ về thành phố đa đô thị, đa trung tâm, phân loại đô thị để triển khai trong thực tiễn; dung cần tập trung vào đô thị thông minh, làm rõ cơ sở pháp lý và định hướng để các địa phương hiểu rõ; lựa chọn tên hợp lý, có tính bao quát và phù hợp với nội dung…
Kết luận tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái nhấn mạnh: Các ý kiến trao đổi, thảo luận, tham luận tại Hội thảo sẽ góp phần quan trọng để Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị. Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương, từ đó tiến hành xây dựng Luật có hiệu quả nhất.
Nguồn: Báo xây dựng