Cuộc chiến đập thủy điện giữa các quốc gia

Cuộc chiến đập thủy điện giữa các quốc gia

Nhân hội nghị Liên hợp quốc tại New York về tiếp cận nguồn nước toàn cầu diễn ra tại New York, AFP đã xem xét 5 siêu dự án xây đập với những hậu quả khác nhau, tùy thuộc vào việc bạn sống ở thượng nguồn hay hạ lưu.

Siêu đập thuỷ điện trên sông Nile

tm-img-alt
Đập Đại Phục Hưng ở Ethiopia. Ảnh: Digital Infopoint

Bắt nguồn từ Hồ Tana tại Ethiopia, vùng nước sông Nile Xanh – phụ lưu lớn nhất của sông Nile – là trung tâm của cuộc tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ giữa Ethiopia và các nước láng giềng ở hạ nguồn là Sudan và Ai Cập.

Năm 2011, chính quyền Ethiopia đã khởi động một dự án thủy điện trị giá 4,2 tỷ USD trên sông, với kỳ vọng sẽ mang điện đến khắp ngõ ngách vùng nông thôn Ethiopia.

Tuy nhiên, Sudan và Ai Cập coi Đập Đại Phục Hưng (Grand Ethiopian Renaissance) là mối đe dọa đối với nguồn cung cấp nước của họ. Chỉ riêng tại Ai Cập, sông Nile cung cấp khoảng 97% nước tưới tiêu và nước uống cho người dân.

Ethiopia khẳng định con đập sẽ không gây xáo trộn dòng chảy của nước và đã khởi động tuabin đầu tiên vào tháng 2/2020.

Iraq, Syria đứng trước cơn khát

d
Đập Ataturk khổng lồ trên sông Euphrates. Ảnh: Hawarnews

Vốn đã quen với việc khoan dầu, Iraq giờ đây đang đào sâu hơn vào lòng đất để tìm nguồn nước ngầm. Cơn sốt xây dựng đập, chủ yếu ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã khiến nguồn nước của hai con sông lớn của khu vực là Tigris và Euphrates cạn kiệt.

Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động dự án xây dựng một tổ hợp đập và nhà máy thủy điện khổng lồ trên khắp vùng đông nam vào những năm 1980. Năm 1990, nước này hoàn tất việc xây dựng con đập Ataturk khổng lồ trên sông Euphrates, chỉ cách biên giới Syria 80 km.

Gần đây, năm 2019, thị trấn cổ 12.000 năm tuổi Hasankeyf nằm dọc theo bờ sông Tigris thuộc tỉnh Batman, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị nhấn chìm, nhường chỗ cho dự án đập thủy điện Ilisu khổng lồ. Nhóm Sáng kiến giải cứu Hasankeyf gồm các nhà hoạt động cùng 86 tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế đã cùng đấu tranh ngăn chặn dự án. Họ cho rằng nhà máy điện có thể được sử dụng trong vòng 50 năm tới, nhưng những tổn thất về văn hóa, lịch sử và môi trường còn lớn hơn thế nhiều. Cuối cùng, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết nhấn chìm thị trấn trong biển nước để phục vụ cho việc xây đập thủy điện

Iraq và Syria cho rằng việc xây dựng đập liên tục của Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên nhân khiến lượng nước chảy qua phần lãnh thổ của họ giảm mạnh.

Iraq thường xuyên yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ xả thêm nước để chống hạn hán, nhưng đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq, Ali Riza Guney, đã chọc tức người dân nước này hồi tháng 7 năm ngoái khi nói rằng “phần lớn nước bị lãng phí ở Iraq”.

Trong khi đó, người Kurd ở Syria cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vũ khí hóa sông Euphrates, cố tình giữ nước để gây ra hạn hán, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận.

Chặn dòng chảy sông Mekong

h
Trạm thủy điện Jinghong nằm ở tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc Ảnh: IC

Trung Quốc đã xây dựng 50.000 con đập ở lưu vực sông Dương Tử trong 70 năm qua – bao gồm cả đập Tam Hiệp gây nhiều tranh cãi.

Nhưng chính các dự án đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong – bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam rồi đổ ra biển Đông – mới là những con đập đẩy các nước láng giềng vào tình trạng báo động.

Hạ lưu vực sông Mekong là “ngôi nhà” của hơn 60 triệu người thuộc hơn 100 dân tộc khác nhau, tạo thành một vùng đa dạng văn hóa. Năm 2019, kết quả nghiên cứu của cơ quan giám sát Eyes on Earth của Mỹ chỉ ra, các con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong đã tích một lượng lớn nước trong giai đoạn hạn hán nghiêm trọng hoành hành ở các nước về phía hạ nguồn. Họ đã công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy lượng mưa tại khu vực này trong năm 2019 cao hơn mức trung bình, kết hợp lượng tuyết tan từ tháng 5 đến 10/2019. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nước sông Mekong ở biên giới Lào – Thái Lan thấp hơn đến 3m so với mức thông thường.

Trung Quốc bác bỏ kết quả nghiên cứu này và khẳng định các hồ chứa của họ giúp duy trì sự ổn định của dòng sông, bằng cách trữ nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô.

Tranh giành nước ở Kashmir

j
Dự án thủy điện Baglihar của Ấn Độ. Ảnh: Flickr

Sông Indus là một trong những con sông dài nhất lục địa châu Á, cắt qua các biên giới cực kỳ nhạy cảm trong khu vực, bao gồm cả Kashmir – khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.

Chia sẻ nguồn nước ở Kashmir là vấn đề cực kỳ phức tạp, nảy sinh ngay sau khi hai nước Nam Á này giành độc lập từ Anh vào năm 1947. Cuộc tranh giành nguồn tài nguyên nước đã buộc Ngân hàng Thế giới phải phân xử bằng Hiệp ước Nước Indus (IWT). Tuy nhiên, sau hơn 60 năm, cuộc chiến này vẫn chưa có hồi kết.

Pakistan từ lâu đã lo ngại rằng Ấn Độ, quốc gia nằm ở thượng nguồn, có thể hạn chế khả năng tiếp cận nguồn nước của họ, ảnh hưởng xấu đến nền nông nghiệp của mình. Và trên thực tế Ấn Độ đôi khi đã đe dọa làm như vậy.

Hai nước thậm chí đã xây các nhà máy điện đối đầu nhau dọc theo bờ sông Kishanganga, con sông chảy vào một nhánh của Indus.

Căng thẳng trên sông Parana

tm-img-alt
Đập Itaipu, tài sản chung của Brazil và Paraguay. Ảnh: Global Infrastructure Hub

Nhà máy thủy điện Itaipu trên sông Parana ở biên giới Brazil-Paraguay, là nguyên nhân gây căng thẳng thường xuyên giữa hai quốc gia.

Đây là nhà máy thủy điện sản xuất nhiều điện nhất thế giới, cùng với Tam Hiệp của Trung Quốc. Đáng chú ý, cả hai quốc gia đồng sở hữu nhà máy thủy điện này theo một hiệp ước năm 1973. Theo thỏa thuận liên doanh, mỗi nước được hưởng 50% sản lượng điện. Tuy nhiên, Paraguay chỉ có nhu cầu sử dụng một phần rất nhỏ (15%) nên họ đã bán lượng điện không tiêu thụ hết cho Brazil theo giá sản xuất.

Năm 2019, một thỏa thuận mới về việc bán điện từ Itaipu suýt khiến chính phủ của Tổng thống Paraguay Mario Abdo bị lật đổ, bởi các chuyên gia cho rằng thỏa thuận này sẽ làm giảm khả năng tiếp cận nguồn điện giá rẻ của Paraguay.

Sau đó, hai nước nhanh chóng hủy bỏ thỏa thuận.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích