Chùa Hàn Sơn-Ngôi cổ tự nổi tiếng ở Tô Châu

Chùa Hàn Sơn-Ngôi cổ tự nổi tiếng ở Tô Châu

Người ta thường ví Tô Châu là thiên đường trần gian. Thành phố cổ này có nhiều sông ngòi ngang dọc với gần 1.000 chiếc cầu đá, cầu gạch xây vồng lên, bắc qua đôi bờ sông hẹp như sông Tô của Hà Nội.

Tôi đến Thành phố Tô Châu lần này là lần thứ hai, vậy mà, tràn ngập trong tôi vẫn là một niềm háo hức khó tả, như sắp được gặp lại một người quen rất thú vị mà ta chưa khám phá hết.

tm-img-alt
Tô Châu hiện ra xinh đẹp và quyến rũ với những phố cổ mái nâu, tường trắng

Tô Châu hiện ra xinh đẹp và quyến rũ với những phố cổ mái nâu, tường trắng, những cây cầu duyên dáng, những tháp chuông chùa thấp thoáng sau rặng ngân hạnh xanh mướt.

tm-img-alt
Thành phố Tô Châu lúc bình minh

Thành phố này giàu đẹp ngay từ cái tên: chữ Tô trong tên thành phố nghĩa là “cá” và “gạo”. Nằm ở Đông Nam tỉnh Giang Tô, thuộc vùng đất màu mỡ nhất châu thổ sông Dương Tử (tây giáp Thái Hồ, đông sát Thượng Hải, nằm kề Chiết Giang), Tô Châu từ xưa đã lừng danh là “thiên đường hạ giới”.

Ngoài cảnh sắc tươi đẹp với những khu vườn cảnh được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, những di tích lịch sử từ thời Xuân Thu cách đây 2500 năm, Tô Châu còn đặc biệt lôi cuốn, hấp dẫn khách phương xa nhờ ngôi chùa Hàn Sơn (Hàn Sơn Tự) nổi tiếng đã đi vào lịch sử văn hoá phương Đông với bao giai thoại đẹp như mơ.

tm-img-alt
Hàn Sơn Tự nổi tiếng là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Trung Quốc.  

Đến Tô Châu mà không thăm Hàn Sơn Tự thì chẳng khác nào tới Paris mà không vào bảo tàng Louvre hay leo tháp Eiffel vậy.

tm-img-alt
Ngôi chùa này nằm ở phía Tây của trấn Phong Kiều, cách trung tâm Tô Châu gần 5 km, bên cạnh con kinh hẹp.

Thậm chí, trong đoàn chúng tôi có 2 anh ngoài U60 còn coi mục đích “tối thượng” của chuyến “hành Trung Hoa” này chỉ là để nghe tận tai tiếng “chuông chùa Hàn Sơn” và nhìn tận mắt “bến Phong Kiều”.

Lần trước, rời Tô Châu với niềm nuối tiếc chưa được sờ tận tay quả chuông huyền thoại chùa Hàn Sơn, lần này tôi quyết sửa lỗi. Từ khách sạn đoàn chúng tôi đi thẳng tới Hàn Sơn Tự nằm ngay bên dòng kênh Kinh- Hàng (con kênh đào cổ xưa và dài nhất thế giới), rợp bóng cây ngô đồng.

tm-img-alt
Hàn Sơn Tự nằm ngay bên dòng kênh Kinh- Hàng (con kênh đào cổ xưa và dài nhất thế giới), rợp bóng cây ngô đồng

Hàn Sơn Tự là một trong 10 ngôi chùa danh tiếng nhất Trung Hoa. Được xây dựng từ thế kỷ thứ 6, thời Nam Triều (nhà Lương), nhưng đến đời Đường nó mới có tên là Hàn Sơn. Chẳng phải có nghĩa là “núi lạnh” (như cách dịch sang tiếng Anh), mà đơn giản là theo tên một vị sư nổi tiếng trụ trì ở đó.

tm-img-alt
Hàn Sơn Tự là một trong 10 ngôi chùa danh tiếng nhất Trung Hoa

Các công trình kiến trúc chính của chùa gồm có: Đại hùng Bảo điện, Tàng kinh các và Tháp chuông. Mỗi công trình đều có những nét độc đáo và giá trị riêng, kết hợp lại tạo nên một tổng thể hài hòa cho một trong những ngôi chùa cổ nhất Trung Quốc.

Có cả một câu chuyện cảm động liên quan tới cái tên này. Chuyện rằng, tại một miền quê nhỏ có 2 chàng trai Hàn Sơn và Thập Đắc thân thiết với nhau như hai anh em. Tới một ngày cha mẹ hỏi vợ cho Hàn Sơn, thì cô dâu lại chính là người yêu của Thập Đắc. Không muốn làm đau lòng bạn, Hàn Sơn lẳng lặng từ hôn, bỏ quê ra đi. Phiêu dạt đến Cô Tô, anh đã dừng chân tại ngôi chùa này.

tm-img-alt
Tên chùa cùng những thông tin cơ bản được khắc vào đá

Trong khi đó, nghĩ rằng vì mình mà Hàn Sơn phải tha hương, Thập Đắc cũng bỏ quê đi tìm anh. Cuối cùng hai người gặp nhau và cùng tu tại chùa này. Nhưng chùa này được nổi danh khắp Trung Hoa và ở cả nước ngoài chủ yếu là nhờ bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” bất hủ của Trương Kế từ hơn nghìn năm trước: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hoả đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”. Bài thơ này cũng lan toả và trở nên rất quen thuộc ở Việt Nam nhờ bản dịch tuyệt vời của thi nhân xứ Đoài Tản Đà: “Trăng tà tiếng quạ kêu sương/ Lửa chài cây bến, sầu vương giấc hồ/ Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn”.

tm-img-alt
Đặc biệt nhất ở Hàn Sơn Tự có lẽ là tháp chung trên đó chỉ treo duy nhất một quả chuông đồng nặng 2 tấn (2,000 kg), mỗi khi ngân lên nghe thanh thoát làm tan biến mọi phiền não.

Tiếng chuông chùa Hàn Sơn là một di sản văn hoá phi vật thể của thành phố sông nước miền Giang Nam này. Chuông có thể vang xa hàng chục dặm vì nó được đúc theo bí quyết 6 phần đồng, 1 phần thiếc. Ban đêm thanh vắng, khí ẩm từ sông hồ bốc lên càng làm cho tiếng chuông ngân nga lảnh lót để lại những dư âm khó quên. Quả chuông rung lên, tiếng vọng trầm sâu của nó hoà quyện với giọng tụng kinh âm âm của các nhà sư gây nên hiệu ứng rất lạ: một cảm giác thành kính thiêng liêng dâng tràn trong mỗi người đến lễ chùa.

tm-img-alt
Quả chuông rung lên, tiếng vọng trầm sâu của nó hoà quyện với giọng tụng kinh âm âm của các nhà sư gây nên hiệu ứng rất lạ

Một ngày vãng cảnh Tô Châu – Cô Tô xưa, để lại cho đoàn chúng tôi những ấn tượng sâu sắc. Cảnh đẹp, môi trường trong lành, dấu xưa còn đó cùng thái độ ân cần, niềm nở, thân thiện của người Tô Châu làm cho chúng tôi nhớ lâu và hẹn ngày trở lại.

Một số hình ảnh do PV Môi trường và Đô thị Việt Nam ghi lại:

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích