Chính sách pháp luật đất đai tạo “cú huých” để Quảng Ninh phát triển vượt trội

(TN&MT) – Sau 7 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013, tỉnh Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, hạ tầng giao thông và môi trường góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

Tạo nguồn lực phát triển hạ tầng

Có thể nói, sau 7 năm thực hiện Luật Đất đai 2013 đã tạo ra “cú huých” lớn với quỹ đất mới lên tới hàng trăm nghìn héc ta, là tiền đề để Quảng Ninh phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, đô thị và dịch vụ.

Trong đó, phải nhắc tới Quy hoạch, kế hoạch đất đai là một trong 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh Quảng Ninh đã góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Đồng thời nâng cao giá trị đất đai, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng bền vững, ngành dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xannh” theo hướng bền vững thân thiện với môi trường.

Qua đó thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, 4 năm liên tục gần đây nhất, Quảng Ninh nằm trong nhóm đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Không gian phát triển du lịch được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản.

Sau 7 năm triển khai Luật Đất đai 2013, Quảng Ninh đã phát huy hiệu quả, tạo ra quỹ đất lớn để xây dựng hạ tầng giao thông phát triển kinh tế- xã hội

Đồng thời, thực hiện hiệu quả định hướng phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế. Hệ thống đô thị được tập trung phát triển, nâng cấp theo quy hoạch, trong đó, hoàn thành đề án công nhận thành phố Hạ Long là đô thị loại I. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 13 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 65,5%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Công nghiệp phát triển theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo được nâng lên.

Cùng với đó, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong việc huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để đầu tư tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại của khu kinh tế như sân bay, đường cao tốc, hạ tầng khung của khu kinh tế, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án du lịch, dịch vụ đẳng cấp. Đồng thời, từng bước xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là một trong những mũi đột phá của tỉnh. Trong đó, tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Quảng Ninh đạt trên 57 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 40,2%/năm.

Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Tổng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016- 2020 ước đạt trên 123 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã đầu tư hoàn thành trên 100 km đường cao tốc và đang tích cực triển khai cao tốc Vân Đồn – Móng Cái với tổng chiều dài trên 80 km, nâng cấp, cải tạo 130,3 km quốc lộ; làm mới và nâng cấp 65,7 km đường tỉnh; cải tạo, làm mới 743,6 km đường huyện, đường đô thị và hệ thống đường giao thông nông thôn, miền núi.

Kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm phát triển, nhất là khi tuyến đường bao biển kết nối TP.Hạ Long với TP.Cẩm Phả được hoàn thiện sẽ tạo ra quỹ đất mới là tiền đề để phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, với đô thị hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh.

Góp phần đảm bảo an sinh xã hội và môi trường

Thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 27/01/2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đây là chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đã có hàng nghìn hộ ở các huyện miền núi như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và đầu tư một số công trình nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo cuộc sống ổn định cho bà con.

Cùng với đó, Quảng Ninh đã tạo quỹ đất hợp lý cho các khu xử lý chất thải, rác đặc biệt là ở các đô thị và khu vực phát triển nông nghiệp và các khu công nghiệp. Đồng thời có cơ chế chính sách và giải pháp khuyến khích nhân dân bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh diện tích đất trồng đồi núi trọc giảm nguy cơ xói mòn, rửa trôi đối với đất đai, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu.

Bộ mặt đô thị TP.Hạ Long ngày càng phong quang sạch đẹp thu hút các nhà đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao mức sống và thu nhập cho người dân

Đặc biệt, Quảng Ninh triển khai Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016- 2020 góp phần cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải mỏ, xây dựng đê, đập chắn đất đá trôi, cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, xây dựng các tuyến băng tải than, cầu vượt với tổng kinh phí thực hiện đề án trên 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh bố trí quỹ đất để triển khai hệ thống 31 lò đốt rác thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt phát sinh được thu gom, vận chuyển xử lý theo quy định. 100% các khu công nghiệp tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn. Đồng thời, chấm dứt hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường gồm nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng, 89/89 lò vôi thủ công, 77/77 lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói Luật Đất đai 2013 đã góp phần quan trọng vào công tác quản lý nhà nước được tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, quản lý di sản, danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Kể từ khi Luật đất đai 2013 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện 1130 dự án với tổng diện tích thu hồi hơn 15.184 ha, và bàn giao mặt bằng sạch để triển khai các công trình giao thông, cảng hàng, các khu công nghiệp, khu kinh tế và các dự án phát triển kinh tế xã hội. Đã ban hành 779 văn bản giải quyết vướng mắc về bồi thường GPMB.

Bạn cũng có thể thích