Bóc mẽ chiêu trò rao bán cắt lỗ, giảm giá bất động sản bát nháo

Không ít thông tin rao bán cắt lỗ, giảm giá sâu trên thị trường bất động sản hiện nay là những chiêu trò của người bán. Điều này gây nhiễu loạn thị trường và tiềm ẩn rủi ro cho người mua.

Đẩy giá lên cao rồi rao bán giảm sâu

Theo khảo sát của Dân trí, trong khi thị trường bất động sản trầm lắng, thông tin rao bán bất động sản vẫn tràn ngập trong các hội nhóm liên quan tới đất đai trên mạng xã hội. Trong đó, không ít thông tin rao bán cắt lỗ, giảm giá bất động sản được môi giới sử dụng chiêu trò.

Trên một nhóm nhà đất, môi giới tên N.C đăng thông tin cần bán gấp liền kề khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội). Căn liền kề này có diện tích 66m2, đã được xây dựng 5 tầng, có thang máy và đường trước nhà ô tô tránh nhau được.

Điểm đáng chú trong thông tin rao bán này, môi giới đã đưa ra mức giá là 9,2 tỷ đồng, nhưng lại cho biết chủ nhà đột ngột giảm 3 tỷ đồng. Giá căn liền kề này về mức 6,2 tỷ đồng, nhưng vẫn có ra lộc (có giảm thêm – PV).

Bóc mẽ chiêu trò rao bán cắt lỗ, giảm giá bất động sản bát nháo
Môi giới đẩy giá bất động sản lên cao, rồi rao bán giảm giá gây nhiễu loạn thông tin (Ảnh chụp màn hình: Hà Phong).

Cùng thông tin rao bán trên, PV Dân trí khảo sát thêm trên một số hội nhóm nhà đất khác và các kênh mua bán bất động sản thì nhận thấy, căn liền kề trên được rao bán với giá 6,2 tỷ đồng, tương đương 93 triệu đồng/m2. Một số căn liền kề khác trong khu đô thị Đại Thanh đang được rao bán với giá dao động từ 88 đến 94 triệu đồng/m2, tùy vào vị trí.

Tương tự, một thông tin rao bán khu đất ở Cam Thượng, Ba Vì (Hà Nội) cũng tràn lan trong các hội nhóm đất đai trên mạng xã hội. Tuy nhiên thông tin về giá bán không có sự thống nhất. Có thông tin có nội dung chủ đất mua 6 tỷ đồng, giờ cắt lỗ 50%. Có thông tin khác, môi giới lại đăng bán, chủ đất từng được trả 6 tỷ đồng, nhưng giờ cần tiền bán gấp 3 tỷ đồng.

Bên cạnh chiêu trò “đẩy giá cao lên rồi rao giảm giá”, nhiều môi giới khác còn sử dụng các chiêu trò đăng thông tin như: Giảm giá sâu, sử dụng hình ảnh không đúng nhằm tạo sự chú ý. Và khi đánh lừa được người có nhu cầu hỏi, các môi giới này liên tục tấn công, tư vấn, gây phiền phức.

Đơn cử, trường hợp chị Nguyễn Thị Huệ (ở Hà Nội) là nạn nhân của tin rao bán bát nháo, không đúng sự thật. Theo chị Huệ, qua theo dõi thông tin rao bán trên một nhóm nhà đất, chị thấy có người rao bán lô đất 67m2 với giá 860 triệu đồng. Đáng nói, ngoài thông tin vị trí lô đất gần trường đại học, chợ…, môi giới còn đăng tải một hình ảnh lô đất.

“Chính hình ảnh cùng thông tin rao bán đã khiến tôi phải suy nghĩ và gọi điện cho người rao bán. Nhưng khi hỏi ra, lô đất môi giới này đang bán có vị trí tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Tôi khá bất ngờ và mới biết mình đã bị lừa”, chị Huệ chia sẻ.

Bóc mẽ chiêu trò rao bán cắt lỗ, giảm giá bất động sản bát nháo
Thông tin rao bán bất động sản kèm hình ảnh có ý đánh lừa người quan tâm (Ảnh chụp màn hình: Hà Phong).

Cũng theo chị Huệ, ngoài việc đăng thông tin không đúng, giá lô đất trên cũng đang ngang bằng, thậm chí là cao hơn trong khu vực. Tiếp nữa, khi môi giới biết mình đang có nhu cầu mua đất, họ liên tục gọi điện và tư vấn khiến chị cảm thấy phiền phức.

Thực tế, các trường hợp nêu trên chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ của thực trạng thông tin rao bán bất động sản không đúng sự thật, môi giới cấu kết làm giá trên thị trường hiện nay. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, mà còn tiềm ẩn những rủi ro tranh chấp khác.

Người mua cần tỉnh táo

Về thông tin rao bán bất động sản không đúng thực tế, anh Trần Đức Thắng – một chủ văn phòng môi giới bất động sản ở Hà Nội thừa nhận, để thu hút được sự chú ý và bán được hàng, không ít môi giới sử dụng những chiêu bài quảng cáo, rao bán cắt lỗ bất động sản để thu hút sự chú ý của người có nhu cầu mua nhà. Tuy nhiên, những môi giới này đa phần là không chuyên, hoặc hoạt động tự do mà không thuộc một văn phòng môi giới chuyên nghiệp nào.

Để nhận diện chiêu thức bát nháo của môi giới, anh Thắng khuyến cáo, khách hàng có thể làm các phép đối chiếu thực tế giá bán cắt lỗ. Nếu nó vẫn ngang bằng với giá bán trên thị trường, thì chắc chắn không có chuyện giảm giá như những người rao bán hay so sánh giá người rao bán trên các kênh mua bán khác để tìm giá thực.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, những môi giới cố ý đăng tin sai sự thật, dựng chuyện và nhân vật để khách hàng ra quyết định mua nhà theo kịch bản là lừa dối khách hàng. Hành vi này vừa vi phạm luật kinh doanh bất động sản vừa vi phạm bộ quy tắc ứng xử đạo đức hành nghề môi giới.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), các quy định pháp luật về hoạt động nghề môi giới bất động sản đang lỏng lẻo. Nhiều môi giới hành nghề nhưng không có chứng chỉ hành nghề, không hoạt động trong các doanh nghiệp môi giới chuyên nghiệp, hoạt động các nhân.

“Việc không được đào tạo, không chuẩn về năng lực và đạo đức nghề nghiệp đã dẫn tới nhiều môi giới không tuân thủ pháp luật, hoạt động vụ lợi, lừa đảo khách hàng, tạo ra nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản”, luật sư Tùng nêu.

Theo Điểm b Khoản 3 Điều 59 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/01/2022, phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới (trước đây, theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP chỉ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng).

Theo Điểm c Khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền nêu trên là áp dụng với tổ chức vi phạm, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, kể từ ngày 28/01/2022, bên môi giới bất động sản là tổ chức cung cấp thông tin sai lệch về nhà đất sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng; trường hợp bên môi giới là cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 125 triệu đồng.

Căn cứ Điểm g Khoản 5 Điều 59 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, ngoài việc bị phạt tiền như trên còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cung cấp thông tin về bất động sản đúng theo quy định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích