‘Bánh nhà làm’: Khoảng trống trong kiểm soát an toàn thực phẩm

Các loại bánh handmade – hay còn gọi là bánh “nhà làm” đang ngày càng phổ biến, đặc biệt với người tiêu dùng yêu thích ẩm thực truyền thống hoặc ưu tiên lựa chọn sản phẩm thủ công. Người bán thường quảng cáo thực phẩm của mình là “nhà làm, không chất bảo quản, nguyên liệu tự nhiên” như một bảo chứng cho sự an toàn.
Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM từng thẳng thắn cảnh báo: “Bánh nhà làm chỉ nên để nhà ăn”, bởi quá trình chế biến không qua kiểm soát, không rõ nguồn nguyên liệu, điều kiện bảo quản kém dễ dẫn đến mất an toàn thực phẩm. Câu nói này lập tức gây tranh luận nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh.
Theo ThS. BS Nguyễn Hoài Thu (Viện Y học Ứng dụng Việt Nam), thực phẩm handmade rất đa dạng và được ưa chuộng. Tuy nhiên, chất lượng và độ an toàn có đúng như quảng cáo hay không thì phần lớn chưa qua kiểm chứng. “Nếu chỉ sử dụng trong phạm vi gia đình thì có thể yên tâm nhưng khi đã sản xuất với quy mô lớn và đưa ra thị trường thì phải tuân thủ quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu không, nguy cơ ngộ độc là rất lớn”, bà Thu cảnh báo.
Thực tế cho thấy, đa phần sản phẩm “nhà làm” bán trên thị trường hiện nay đều không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, không kiểm nghiệm định kỳ hay dán nhãn đúng quy định. Những mặt hàng này chỉ tồn tại nhờ vào niềm tin và lời giới thiệu từ người bán. Song, “một chữ tín thôi là chưa đủ”, như nhận định của nhiều chuyên gia.
Ảnh minh họa.
“Không ai cấm làm bánh nhà để ăn, nhưng một khi đã kinh doanh – dù là quy mô nhỏ, bán cho bạn bè hay online thì phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng”, ThS. BS Nguyễn Hoài Thu nhấn mạnh.
“Người sản xuất cần cẩn trọng hơn từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến, bảo quản đến đóng gói, vận chuyển. Nguyên liệu phải có nguồn gốc rõ ràng, quy trình chế biến sạch sẽ, có dụng cụ riêng, không để vật nuôi lẫn trong khu vực chế biến. Tất cả nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng”.
Cũng theo bà Thu, trước tiên, các hộ làm thực phẩm “nhà làm” cần đăng ký kinh doanh để cơ quan chức năng có cơ sở kiểm soát. Về phía quản lý, cần có các đợt kiểm tra đột xuất và siết chặt giám sát thực phẩm thủ công trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử – nơi hình thức kinh doanh này đang nở rộ.
Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu phải có một bộ công cụ kiểm chứng phù hợp cho thực phẩm “nhà làm”: từ tiêu chuẩn sản xuất, vệ sinh an toàn, giấy chứng nhận định kỳ, nhãn hàng hóa đến khả năng truy xuất nguồn gốc. Chỉ như vậy mới đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh rủi ro ngộ độc và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về pháp lý, thị trường thực phẩm hiện nay đang vận hành dựa trên Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định 15/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Đối với đồ ăn vặt tự chế biến, bán online – hình thức phổ biến của “bánh nhà làm” – luật hiện hành không yêu cầu giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm (theo khoản 1, điều 12 Nghị định 15/2018). Tuy nhiên, người bán vẫn phải tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tương ứng.
Cụ thể, với hộ kinh doanh, phải bố trí khu vực chế biến tách biệt khỏi khu sinh hoạt, không có vật nuôi trong khu vực bếp, có khu lưu trữ riêng. Từ cuối năm 2023 – 2024, các tiêu chuẩn mới còn yêu cầu có người giám sát an toàn thực phẩm được cấp chứng chỉ, người xử lý thực phẩm được đào tạo và có năng lực quản lý rủi ro an toàn thực phẩm.
Với thực phẩm đóng gói, người bán phải ghi rõ thành phần, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản, cảnh báo dị ứng… đúng như quy định về ghi nhãn.
Sự bùng nổ của xu hướng mua thực phẩm online sau đại dịch càng khiến bài toán kiểm soát thực phẩm handmade trở nên cấp bách. Theo báo cáo tháng 9/2024 của Metric Việt Nam, thị trường bánh Trung thu chuyển mạnh từ kênh truyền thống sang online. Chỉ riêng mùa bánh 2024, tổng doanh thu từ năm sàn TMĐT lớn gồm Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo đạt 59,2 tỉ đồng, tăng hơn 103% so với năm trước. Trong đó, phân khúc giá từ 100.000–150.000 đồng/sản phẩm chiếm phần lớn.
Thực phẩm “nhà làm” là xu hướng không thể ngăn cản trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển ấy cần đi cùng cơ chế quản lý chặt chẽ hơn, tránh để “niềm tin” trở thành kẽ hở gây hậu quả cho cộng đồng. Khi đã kinh doanh, dù quy mô nhỏ hay lớn cũng cần minh bạch, trách nhiệm và tuân thủ quy định, vì sức khỏe của chính người tiêu dùng.
Thanh Hiền (t/h)