Thủ tướng chủ trì Hội nghị tổng kết Quyết định số 178 về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc
Thủ tướng chủ trì Hội nghị tổng kết Quyết định số 178 về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc
Sáng 31/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2024/QĐ-TTg về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò, vị trí rất quan trọng của Phú Quốc đối với phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, văn hóa, du lịch. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đúng, trúng, hiệu quả, phù hợp với tình hình đất nước để thúc đẩy Phú Quốc phát triển, trong đó Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh “6 cái hơn” với Phú Quốc sau 20 năm triển khai Quyết định 178, đó là: tiềm lực được tăng cường hơn; hạ tầng chiến lược phát triển đồng bộ hơn; sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế nhiều hơn; uy tín, vai trò, vị thế của Phú Quốc được tăng lên; đóng góp cho GDP, thu ngân sách, đời sống của nhân dân cao hơn; thời cơ, thuận lợi nhiều hơn nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít hơn, nhất là trong phát triển nhanh, bền vững, kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn, tri thức, chia sẻ. Bên cạnh kết quả tích cực, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm quý.
Về định hướng, mục tiêu phát triển thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tập trung phát triển Phú Quốc nhanh và bền vững, trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế; phát triển xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, thông minh và trở thành thành phố đáng sống, đồng thời nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm và “6 đẩy mạnh” để thực hiện được các mục tiêu trên.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, qua gần 20 năm triển khai thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, bộ mặt của “thành phố đảo” đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, đạt gần 19,6%/năm, mang tính ổn định và bền vững, năm sau cao hơn năm trước; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế – xã hội đều tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại-dịch vụ, công nghiệp xây dựng, giảm về nông nghiệp.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng cao qua các năm, đóng góp lớn cho ngân sách chung của tỉnh, nếu như năm 2004 tổng thu ngân sách chỉ đạt 38,59 tỷ đồng, thu không đủ chi thì năm 2020 chiếm 51,6% tổng thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang và góp 5,4% thu ngân sách của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 0,35% tổng thu ngân sách của cả nước. Đến năm 2023 thu ngân sách đạt 7.812,7 tỷ đồng, tăng trên 113 lần so với năm 2004. Trong 5 năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh.
Từ một địa phương “không có dự án đầu tư nào” thì đến năm 2023, đã thu hút 321 dự án đầu tư với diện tích sử dụng đất khoảng 10.652 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng số dự án toàn tỉnh, trong đó có 312 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 10.111 ha.
Phú Quốc đã có 4.404 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 142.000 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần về số lượng và tăng hơn 383 lần số vốn đăng ký so với năm 2004. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội liên tục tăng qua từng năm, đến năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng, tăng gần 64 lần so năm 2004.
Thành tựu nổi bật là về phát triển du lịch, từ huyện đảo ít người biết, năm 2004 thu hút chỉ có trên 130.000 lượt khách du lịch, thì đến năm 2020 đạt trên 3,5 triệu lượt, tăng gần 27 lần so với năm 2004, và vượt gần 17% so với mục tiêu tại Quyết định 178/2004/QĐ-TTg, trong đó khách quốc tế trên 160 nghìn lượt, chiếm 4,2% cả nước (năm 2020 cả nước đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế).
Phú Quốc đã khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới, nhiều sản phẩm du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Năm 2023, Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Travel+Leisure vinh danh đảo Phú Quốc là “Một trong những ngôi sao mới của du lịch Việt Nam”….
Đến nay, hệ thống hạ tầng của Phú Quốc cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Năm 2014, Phú Quốc chính thức hòa lưới điện quốc gia. Cùng năm, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đón chuyến bay đầu tiên; đến nay đã kết nối đường bay trong nước đến tất cả các sân bay, các đường bay quốc tế đã kết nối đến 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm chỉ đạo đúng mức, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương tiếp tục được bảo tồn và phát huy; thu nhập và đời sống của nhân dân liên tục được cải thiện.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị