Vận dụng linh hoạt, đồng bộ 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia

Hội đồng GTCLQG năm 2022 tổ chức phiên họp lần thứ nhất nhằm thảo luận và cho ý kiến về danh sách đề xuất các doanh nghiệp được trao GTCLQG năm 2022, cùng một số nội dung liên quan.

Những dấu mốc quan trọng

Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một giải thưởng đơn thuần, góp phần nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân.

GTCLQG có tên gọi ban đầu là Giải thưởng Chất lượng Việt Nam, được xem là một trong những hoạt động chính của phong trào năng suất chất lượng của Việt Nam từ những năm 1990 cho đến nay. Đây là giải thưởng thường niên duy nhất về chất lượng được luật hóa bởi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và được ban hành theo quy tắc quốc tế – thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương.

Có 3 dấu mốc quan trọng phải kể đến trong quá trình phát triển GTCLQG đó là: Giai đoạn 1 (1996 – 1999), đây là giai đoạn xây dựng những nền tảng ban đầu, các hoạt động chủ yếu mang tính tuyên truyền nhằm xây dựng phong trào năng suất chất lượng;

Giai đoạn 2 (2000 – 2008) đánh dấu bước ngoặt quan trọng thể hiện ở hai sự kiện: Năm 2000 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia chính thức Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương (GPEA); Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng khen cho các doanh nghiệp đoạt giải Vàng. Điều này thể hiện sự quan tâm và đánh giá đúng mức vị trí, tầm quan trọng của GTCLQG đối với sự phát triển và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam;

Giai đoạn 3 (từ 2009 – đến nay), đây là giai đoạn phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, thể hiện rõ vị thế, vai trò của một giải thưởng ở tầm quốc gia.

Vận dụng linh hoạt 7 tiêu chí

Ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam – Ủy viên Thư kí Hội đồng GTCLQG.

Theo đó, GTCLQG dựa trên 7 tiêu chí đánh giá gồm: Vai trò của lãnh đạo; hoạch định chiến lược; định hướng vào khách hàng và thị trường; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; quản lý, phát triển nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động; kết quả hoạt động.

Ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam – Ủy viên Thư kí Hội đồng GTCLQG cho biết, không nên đánh giá trong 7 tiêu chí nêu trên đâu là tiêu chí quan trọng nhất bởi vì mức độ quan trọng của tiêu chí do doanh nghiệp tự quyết định, vào từng thời điểm, giai đoạn mà doanh nghiệp áp dụng.

 
TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng GTCLQG nhấn mạnh: “GTCLQG thông qua các tiêu chí đánh giá, giúp doanh nghiệp hướng tới sự tuyệt hảo trong hoạt động sản xuất – kinh doanh – dịch vụ bằng việc tiếp cận chất lượng theo một hệ thống các giá trị cốt lõi”.
 

Ví dụ, vào giai đoạn đầu tiếp cận GTCLQG doanh nghiệp cần xác định rằng, tiêu chí quan trọng nhất trong giai đoạn này chính là vai trò tầm nhận thức của người lãnh đạo, bởi lãnh đạo là người nhận thức và quyết định hướng đi của doanh nghiệp.

Vào giai đoạn 2 khi doanh nghiệp đã áp dụng tốt thì cần hướng đến những tiêu chí khác. Ví dụ như đối với doanh nghiệp lớn thì vai trò của tiêu chí nguồn lực lao động hay tiếp cận tiêu chí liên quan đến đổi mới sáng tạo, ứng dụng CNTT vào quá trình sản xuất lại là yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp.

Hoặc đối với những doanh nghiệp nhỏ thì chú trọng nguồn lực bên ngoài, tận dụng nguồn lực sẵn có và nâng cao hệ thống quản trị nội bộ, tùy từng thời điểm, quy mô mà quyết định tiêu chí nào là quan trọng nhất. “Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng dù với tiêu chí nào thì doanh nghiệp cũng cần vận dụng linh hoạt, đồng bộ các tiêu chí, tận dụng nguồn lực mới phát huy được hiệu lực, hiệu quả của toàn bộ hệ thống quản trị”, ông Trường bày tỏ.

Cũng theo ông Phùng Mạnh trường, trong quá trình phát triển, tính đến hiện tại có khoảng 2.030 lượt doanh nghiệp được trao tặng GTCLQG, trong đó có 52 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương. Doanh nghiệp đạt được GTCLQG đều là những doanh nghiệp đi đầu trong phong trào năng suất chất lượng không chỉ tại địa phương mà trong phạm vi toàn quốc.

Đây cũng là những doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, góp phần to lớn cho việc nâng cao năng suất chất lượng tại Việt Nam. Từ đó, khẳng định vị thế, vai trò của nước ta trong phong trào năng suất chất lượng tại khu vực và trên thế giới.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích