Phát triển thành công băng dán vết thương kháng khuẩn
TS Ngô Võ Kế Thành cho biết, băng dán vết thương có thể chia làm 4 loại chính bao gồm dạng băng chính dùng để đắp trực tiếp; dạng băng phủ ngoài (dùng để bao phủ băng chính khi nó không bảo vệ được vết thương khỏi sự nhiễm bẩn); băng thấm hút (dùng để bao phủ, ngăn vết thương với môi trường bên ngoài và giữ hơi nước ở tại vị trí vết thương); băng bán thấm cho phép oxy đi qua và hơi ẩm bóc bay. Tuỳ theo loại vết thương và vị trí sử dụng mà áp dụng dạng băng vết thương nào.
Hiện nay, xu thế các thế hệ mới của băng dán y tế trên thế giới đòi hỏi vật liệu phải mang tính tương thích sinh học cao và có bổ sung các yếu tố chống viêm nhiễm, giúp mau lành vết thương. Tại Việt Nam, mặt hàng băng dán đắp vết thương hiện nay rất đa dạng và đa số là sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài. Các nhà sản xuất nội địa chỉ mới có khả năng sản xuất băng dán y tế có tẩm lớp keo oxit kẽm hoặc acrylic, hầu như chưa có nhà sản xuất nào sản xuất băng dán có khả năng trị phỏng, lở loét và vết thương lâu lành.
Nhận thấy việc nghiên cứu băng dán kháng khuẩn cho vết thương lở loét, vết thương bỏng là nhu cầu bức thiết, nhóm đã chế tạo vật liệu nanocomposite dựa trên nền nano vàng và polyurethane (PU) nhằm tạo ra sản phẩm hạt nano vàng có cấu trúc ngôi sao và lưỡng tháp tam giác, có khả năng ứng dụng cho các sản phẩm băng dán kháng khuẩn y tế thế hệ mới”, TS Thành nói.
Để tổng hợp vật liệu nano vàng cấu trúc ngôi sao và lưỡng tháp tam giác, nhóm đã dùng phương pháp hóa học có sự hỗ trợ nhiệt vi sóng và sóng siêu âm. Hạt nano vàng ngôi sao tạo ra có kích thước lõi, hạt nano vàng lưỡng tháp tam giác tạo ra có đường kính 25nm, chiều dài 80nm.
Ảnh minh hoạ
Nhóm đã khảo sát các điều kiện ảnh hưởng đến tính chất hạt nano vàng cấu trúc ngôi sao và lưỡng tháp tam giác. Từ đó đưa ra 2 quy trình tối ưu để chế tạo bằng phương pháp mầm trung gian kết hợp nhiệt vi sóng và siêu âm.
TS Ngô Võ Kế Thành cho biết, để chế tạo băng dán phải có lớp gạc cho hoạt chất bám dính. Nhóm nhận thấy loại nguyên liệu thích hợp nhất là xốp PU dẻo và đã chế tạo thành công vật liệu này. PU là loại nhựa dạng bọt được tạo thành từ hai loại chất lỏng chính là Polyol và hỗn hợp các chất Polymethylene, Polyphynyl, Isocyanate.
Các thành phần này khi trộn với nhau tạo ra phản ứng hóa học, tuỳ theo từng loại mà có tốc độ phản ứng khác nhau. Loại phản ứng nhanh, khoảng 5 – 6 giây, loại phản ứng chậm có thể kéo dài từ 30 – 40 giây hoặc lâu hơn. Sau khi phản ứng xong, sản phẩm vật liệu mút xốp được tạo thành.
Công thức tạo thành xốp PU của nhóm được hoàn thiện, tiếp đến là quy trình tạo composite xốp PU-nano vàng để làm băng dán. Nhóm thực hiện bằng hai phương pháp tẩm và in-situ (bảo tồn tại chỗ) với nồng độ nano vàng thích hợp cho từng quy trình là: 5 µg/mL cho nano vàng dạng ngôi sao, 50 µg/mL cho nano vàng dạng lưỡng tháp tam giác ứng với quy trình tẩm; 50 µg/mL cho nano vàng dạng ngôi sao, 100 µg/mL cho nano vàng dạng lưỡng tháp tam giác ứng với quy trình in-situ.
Kết quả thành phẩm, băng dán trên nền vật liệu composite xốp PU-nano vàng ngôi sao và lưỡng tháp có các tính chất như: Độ thấm hút nước 497%, kích thước lỗ xốp 100µm, chỉ số trao đổi môi trường 1.400 – 1.800 g/m2, độ bền nén 400 KPa và hiệu quả kháng khuẩn đối với E. coli và S. aureus đều trên 90%.
Quy trình chế tạo miếng dán PU-nano vàng cấu trúc ngôi sao, lưỡng tháp tam giác trên nền PU-Au có tính kháng khuẩn cao đã được hoàn chỉnh với đầy đủ chi tiết thông số và được đăng ký sáng chế. Kết quả đề tài cũng xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở của sản phẩm miếng dán kháng khuẩn PU, đáp ứng yêu cầu về vật tư y tế theo đúng quy định của Nghị định 169/2018/NĐ-CP.
Bảo Lâm