Số hóa để phát triển và chuyển đổi bền vững
Theo Ban tổ chức, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, số hóa đã trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện năng suất làm cho quốc gia trở nên hưng thịnh hơn, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, mà nếu mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp không có sự chuẩn bị phù hợp, hợp tác toàn diện và khả năng thích ứng, sẽ khó thu được kết quả như kỳ vọng.
Chuyển đổi số đã trở thành mục tiêu quan trọng của xã hội hiện đại, với chính phủ và doanh nghiệp đều luôn tìm cách ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được chuyển đổi số quốc gia thành công đòi hỏi không chỉ là công nghệ mà cần có sự hợp tác giữa hai khu vực công và tư.
Tại hội thảo, bàn về hợp tác công – tư trong chuyển đổi số quốc gia, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc điều hành SQV International cho rằng, thời gian qua, quan hệ đối tác công – tư (PPPs) đã nổi lên như một chiến lược quan trọng, đồng thời, là giải pháp khả thi để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam bằng các tập hợp các nguồn lực và chuyên môn của cả hai khu vực công – tư. PPPs có thể thúc đẩy nhanh quá trình phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thúc đẩy đổi mới và điều phối các chính sách thực hiện. Việt Nam là nền kinh tế năng động hàng đầu Đông Nam Á, với bối cảnh kỹ thuật số đang mở rộng nhanh chóng.
Theo ông Hiệp, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể về hạ tầng kỹ thuật số, kết nối và đầu tư. Do đó, PPPs có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật bằng cách tận dụng thế mạnh giữa hai khu vực công – tư. Khu vực công có thể cung cấp tài chính và khuôn khổ quy định cũng như khả năng tiếp cận các nguồn lực công, khu vực tư nhân có chuyên môn hoá trong các lĩnh vực như thiết kế mạng, an ninh mạng và điện toán đám mây. PPPs có thể giúp thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế kĩ thuật số, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho người dân…
Tuy nhiên, trong mô hình hợp tác công – tư cũng có những thách thức, rủi ro như khó bảo đảm sự công bằng trong quan hệ đối tác; có thể nảy sinh xung đột về lợi ích. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận phù hợp trong hợp tác công – tư để khai thác được tiềm năng công nghệ kĩ thuật số phục vụ tăng trưởng, thịnh vượng và tiến bộ xã hội, bảo đảm lợi ích chuyển đổi số được chia sẻ rộng rãi, công bằng, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề cập đến nhiều lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số như: tính bền vững của doanh nghiệp thông qua chuyển đổi và đổi mới số; tích hợp cá phương pháp và công nghệ tốt nhất để đáp ứng những thách thức trong việc chuyển đổi trong ngành sản xuất; hợp tác dữ liệu và quan hệ đối tác để chuyển đổi số bền vững. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là yêu cầu sống còn đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Việc xây dựng hệ thống năng lực số không chỉ giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực tốt, mà còn tạo sự phát triển bền vững.
Cũng tại hội thảo đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty SQV International và Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu