Lợi nhuận ngân hàng niêm yết vượt 10 tỷ USD

Bất chấp những khó khăn của thị trường chung, năm 2022, nhóm ngân hàng niêm yết vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 34%, lần đầu vượt mốc 10 tỷ USD.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022 của nhóm doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, phần lớn doanh nghiệp năm vừa qua đều ghi nhận kết quả kinh doanh chậm lại trước những biến động kinh tế vĩ mô và môi trường lãi suất cao.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành nghề du lịch, hàng không, sắt thép, bất động sản… đã ghi nhận tăng trưởng chậm, thậm chí suy giảm so với năm 2021.

Thống kê kết quả kinh doanh của 995 công ty niêm yết và giao dịch trên HoSE, HNX, UPCoM (chiếm 92,1% vốn hóa thị trường), Chứng khoán VNDirect cho biết lợi nhuận ròng toàn thị trường quý IV/2022 đã giảm mạnh 30,4% so với cùng kỳ năm 2021, mức giảm lớn nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Trong đó, khó khăn vẫn tiếp nối ở các doanh nghiệp ngành thép, thực phẩm và chứng khoán…

Lợi nhuận ngân hàng niêm yết vượt 10 tỷ USD
Doanh nghiệp ngành sắt thép là một trong những nhóm chịu tác động tiêu cực nhất từ biến động kinh tế vĩ mô năm 2022. Ảnh: Hoàng Hà.

Doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng vẫn lãi lớn

Cụ thể, lãi ròng quý IV/2022 của các nhà sản xuất thép niêm yết đã giảm 156% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ đà suy giảm sản lượng tiêu thụ và biên lãi gộp giảm sâu.

Tương tự, nhóm doanh nghiệp ngành thực phẩm cũng tiếp tục kéo dài xu hướng giảm với lãi ròng quý IV/2022 thấp hơn 80,7% so với cùng kỳ. Trong khi các công ty chứng khoán ghi nhận lãi ròng giảm 96,6% trong quý cuối năm do thanh khoản thị trường tụt dốc.

Trái ngược với bức tranh kém tích cực kể trên, lãi ròng của các ngân hàng niêm yết quý vừa qua vẫn ghi nhận tăng trưởng dương 23,2% so với cùng kỳ và là một trong những ngành có tăng trưởng cao nhất thị trường.

Theo VNDirect, kết quả đáng thất vọng trong quý cuối năm đã kéo tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường năm 2022 xuống còn 7,1% so với năm 2021, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó của các đơn vị phân tích.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh cả năm của nhóm ngân hàng niêm yết vẫn ghi nhận tăng trưởng cao.

Lợi nhuận ngân hàng niêm yết vượt 10 tỷ USD

Thống kê kết quả kinh doanh của 27 ngân hàng niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán cho biết nhóm này đã thu về hơn 246.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm vừa qua. Mức lợi nhuận này tương đương hơn 10,3 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại, đánh dấu năm đầu tiên lợi nhuận nhóm ngân hàng vượt mốc chục tỷ USD. Nếu so với năm 2021, mức lợi nhuận này vẫn tăng gần 34%.

Trong khi nhiều doanh nghiệp hàng không, du lịch, tiêu dùng… đang chật vật để tìm lại mức lợi nhuận như năm 2019 (trước dịch Covid-19), lợi nhuận năm 2022 của nhóm ngân hàng đã tăng gấp đôi so với trước dịch.

Trong nhóm ngân hàng, chỉ có 4 đại diện gồm NCB, Kienlongbank, ABBank và OCB ghi nhận kết quả kinh doanh suy giảm năm vừa qua, còn lại 23/27 đại diện đều ghi nhận tăng trưởng dương, phần lớn trong đó đạt mức tăng hai chữ số như Vietcombank (+36%); HDBank (+27%); BIDV (+70%); VPBank (+48%); ACB (+43%); MBBank (+38%); Sacombank (+44%)…

Ba ngân hàng báo lãi tỷ USD

Năm 2022, quán quân lợi nhuận ngân hàng một lần nữa thuộc về Vietcombank với 37.359 tỷ đồng trước thuế, tăng 36% so với năm liền trước và tương đương gần 1,6 tỷ USD quy đổi.

Trong gần một thập niên đã qua, Vietcombank luôn duy trì vị thế lợi nhuận cao nhất hệ thống, bất chấp quy mô tài sản, dư nợ cho vay thấp hơn nhiều so với các ngân hàng quốc doanh khác.

Ngoài Vietcombank, năm qua cũng ghi nhận 2 nhà băng có lợi nhuận tỷ USD là Techcombank và BIDV với mức lãi trước thuế lần lượt 25.568 tỷ và 23.058 tỷ đồng.

Trong khi lợi nhuận Techcombank chỉ tăng 10%, giúp ngân hàng duy trì vị thế top 2 trong hệ thống. Đà tăng trưởng lên tới 70% đã giúp BIDV trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao thứ 3 hệ thống, vượt mặt VietinBank, VPBank, MBBank.

Lợi thế của BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất thị trường, đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, nhà băng này hiện cũng đứng số một về thị phần tiền gửi (13,6%) và số dư cho vay khách hàng (12,5%).

Lợi nhuận ngân hàng niêm yết vượt 10 tỷ USD

Ngoài bộ ba tỷ USD kể trên, hệ thống hiện cũng ghi nhận nhiều nhà băng có mức lợi nhuận tiệm cận tỷ USD như MBBank (22.729 tỷ); VPBank (21.220 tỷ); VietinBank (21.113 tỷ) hay Agribank (20.000 tỷ – riêng ngân hàng mẹ)…

Xét theo tỷ lệ, Eximbank là ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất năm qua với 3.709 tỷ đồng, tăng 208%. Đây cũng là nhà băng duy nhất ghi nhận tăng trưởng ba chữ số năm 2022.

Tương tự các ngân hàng trong hệ thống, tăng trưởng lợi nhuận của Eximbank cũng đến chủ yếu từ hoạt động cho vay với thu nhập lãi thuần tăng gần 60%. Cùng với đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh, chỉ tương đương 1/10 năm trước, đã giúp nhà băng này ghi nhận mức lãi cao nhất một thập niên.

Cần giảm thêm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Theo các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán SSI, động lực chính hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm vừa qua là hoạt động cho vay, với tăng trưởng tín dụng mạnh hơn (đạt 14,5%) so với năm 2021 (đạt 13,6%). Bên cạnh đó, lợi nhuận tăng mạnh còn đến từ tỷ suất sinh lời của tài sản và chi phí trích lập dự phòng thấp hơn năm 2021.

Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp thuộc nhiều nhóm ngành gặp khó, suy giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, việc các ngân hàng báo lãi lớn, khiến nhiều chuyên gia đề xuất ngân hàng cần giảm lợi nhuận để dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay.

Đại diện nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, du lịch, bất động sản, tiêu dùng… đều cho rằng với mặt bằng lãi suất vay 14-16%/năm, trong khi lạm phát tăng cao, rất khó để các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất.

Hiện tại, lãi suất huy động trong khoảng 8% đến 9,5%/năm đối với tiền gửi thông thường, nhưng lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi, vẫn ở mức trung bình 12-16%/năm

SSI Research

Ông Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng mặt bằng lãi suất thực của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc sớm hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Tương tự, PGS TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng lãi suất cao là điều không có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên cũng mong có lợi nhuận khi hoạt động kinh doanh.

Vị chuyên gia nhấn mạnh lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao, nhưng các ngân hàng đã thực hiện tương đối tốt yêu cầu của Chính phủ và NHNN trong việc tiết giảm chi phí, từ đó có cơ sở để giảm lãi suất cho vay.

Ông cho biết năm 2022, có thời điểm các ngân hàng đã gặp khó về vấn đề thanh khoản nên phải nâng lãi suất huy động. Điều này làm tăng lãi suất nhưng sẽ giúp ngân hàng có khả năng đáp ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp kịp thời. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay vẫn đang là nguồn thu chính của ngân hàng, trong khi nợ xấu vẫn tương đối cao. Các nhà băng cần phải tính toán để có nguồn lực bù đắp cho các rủi ro tín dụng.

Đánh giá về ngành ngân hàng năm 2023, các chuyên gia tại SSI cho rằng hoạt động của các ngân hàng vẫn sẽ phụ thuộc vào xu hướng chính sách tiền tệ của NHNN, với tâm điểm là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Trong đó, yếu tố thuận lợi có thể đến từ các chính sách hỗ trợ thanh khoản và xu hướng lãi suất ổn định hơn.

Các chuyên gia tại Chứng khoán Yuanta thì cho rằng trong bối cảnh năm 2023, biên lãi thuần (NIM) ngành ngân hàng sẽ bị thu hẹp trong nửa đầu năm do chi phí vốn cao và nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho các khoản vay trung và dài hạn thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ suất này sẽ cải thiện về cuối năm khi thanh khoản trở nên tốt hơn.

Tính chung cả năm, các chuyên gia dự báo thu nhập lãi ròng của các ngân hàng sẽ tăng 12%, trong khi thu nhập từ phí dịch vụ dự báo tăng 20%.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích