Thị trường BĐS đầu năm 2023: Cần cú hích để khơi thông
(TN&MT) – Trước đây, sau Tết nguyên đán là thời điểm thị trường bất động sản (BĐS) giao dịch nhộn nhịp nhất, nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS tuy đã mở cửa hoạt động trở lại nhưng việc mở bán sản phẩm đối với các dự án gần như đếm trên đầu ngón tay.
Trầm lắng sau Tết
Thị trường BĐS tại khu vực phía Nam nói chung, TP.HCM nói riêng rơi vào trầm lắng từ khoảng giữa năm 2022 và kéo dài đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Theo ghi nhận của phóng viên, bên cạnh một số doanh nghiệp BĐS đã làm thủ tục khai Xuân năm mới thì khá nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang… nghỉ Tết, nhiều công ty môi giới vẫn chưa mở cửa để hoạt động bởi không có khách hàng để giao dịch.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), từ quý IV/2022 đến nay, hoạt động giao dịch BĐS khó khăn hơn, lượng giao dịch giảm rõ rệt, dẫn đến quy mô các sàn giao dịch địa ốc giảm. Hiện tại, một số doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân lực. Nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động đầu tư, thi công dự án, thậm chí có không ít tập đoàn BĐS đã giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, nguyên nhân khó khăn đối với các doanh nghiệp BĐS là do việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Hiện tại, doanh nghiệp BĐS đang thiếu dòng tiền để trả cho đơn vị cung ứng nhưng lại không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ về thuế. Trong khi đó, khách hàng mua BĐS rất khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án BĐS dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư” – ông Châu phân tích thêm.
Kỳ vọng khởi sắc
Theo dự báo của DKRA Group, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2023 sẽ giảm nhẹ so với năm 2022 do các địa phương mạnh tay siết chặt phân lô bán nền trái phép. Mặt bằng giá đất nền duy trì mức ổn định, khó tăng giá đột biến. Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới dự báo giảm, bằng khoảng 75% so với năm 2022 (20.000 căn), tập trung chủ yếu tại TP.HCM khoảng 12.000 căn, Bình Dương khoảng 7.000 căn, còn các tỉnh, thành khác khan hiếm nguồn cung mới.
Sức cầu chung của thị trường BĐS dự báo sẽ có những khởi sắc nhất định vào cuối quý IV/2023 khi những vướng mắc về pháp lý, tín dụng vào BĐS được tháo gỡ. Trong đó, phân khúc căn hộ hạng A duy trì vị thế chủ đạo, căn hộ hạng C và nhà ở xã hội sẽ gia tăng đáng kể trong năm 2023. Mặt bằng giá bán sơ cấp khó có sự tăng giá đột biến trong năm 2023, trong khi giá bán thứ cấp tiếp tục đà giảm.
“Dự báo thị trường BĐS trong năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, cơ hội để thị trường BĐS phục hồi vẫn có. Dự kiến, khoảng cuối quý II/2023, các giao dịch sản phẩm BĐS sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường BĐS cũng sẽ nhiều hơn”.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam.
Ông Tín Nguyễn – Trưởng phòng Nghiên cứu Thị trường Colliers Việt Nam cho rằng, trong năm 2023, phân khúc BĐS nhà ở sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn về pháp lý, thanh khoản, nguồn vốn và dự kiến sẽ kéo dài đến ít nhất quý III/2023. Tuy vậy, các động thái mới đây của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Tổ công tác của Chính phủ cho thấy quyết tâm giúp phục hồi thị trường BĐS theo hướng bền vững.
Trước khó khăn thực tế của thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết: “Hiệp hội vừa kiến nghị các giải pháp để Nhà nước tháo gỡ khó khăn, nhất là vướng mắc về mặt pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các dự án BĐS, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất cần sớm được giải quyết”.